Ở tuổi 70, ông Phan Văn Hạnh ngụ tại thôn Hữu Vy, xã Nam Chính, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, vẫn nhớ như in cuộc sống khó khăn thời bao cấp những năm cuối 1970 đầu 1980. Lúc bấy giờ cả xã chỉ có một bệnh xá mà phương tiện đi lại không thuận tiện như bây giờ, mỗi lần trong làng có phụ nữ sinh nở là rất vất vả.
Năm 1977 vợ ông Hạnh mang thai con đầu lòng và chuyển dạ vào giữa đêm trước Noel. Bên ngoài trời rét mướt, nhà không có xe cộ gì, ông cặm cụi chế một chiếc cáng bằng võng dù, 2 đầu cột vào một khúc tre, sau đó nhờ trai tráng trong làng đến khiêng bà xã tới trạm xá cách đó 5 km. Quãng đường đi cũng lắm gian nan, cả nhóm phải thay phiên nhau vác cáng băng qua cánh đồng lúa lầy lội dưới ánh sáng nhập nhòe hắt ra từ một chiếc đèn bão.
“Sợ ngã, chúng tôi phải bấm mũi chân sâu xuống bùn và men theo vết chân trâu để đi. Vợ tôi khóc lóc kêu đau, cả đội cáng ai cũng mệt, mồ hôi tuôn nhễ nhại nhưng không dám nghỉ bởi sợ bà ấy sinh giữa đường thì chẳng biết làm sao”, ông cụ nhớ lại.
Bà Hạnh sinh con trai đầu lòng suôn sẻ nhưng bị thiếu sữa. Thời buổi khó khăn, mỗi nhà chỉ được phát một lượng tem phiếu nhất định để mua nhu yếu phẩm nên hai vợ chồng không có tiền mà mua sữa cho con. Ngày nào bà cũng phải bế con sang nhà hàng xóm xin bú “rình”. Nửa đêm con đói khóc, vợ chồng phải dậy nấu cơm rồi chắt lấy nước cơm vừa thổi vừa đút cho cu cậu.
Ăn uống thiếu thốn lại bệnh tật triền miên, đứa trẻ nào cũng bị suy dinh dưỡng, èo uột. Bà Hạnh sinh cả thảy 7 người con nhưng chết 3 chỉ còn 2 trai, 2 gái.
Các nữ hộ sinh đang chăm sóc trẻ sơ sinh bị thiếu tháng. Ảnh tư liệu. |
Với ông Nguyễn Văn Học, ký ức về một thời khốn khó gắn liền với nỗi đau mất đi người bạn đời trong một lần vượt cạn. Thời ấy thiết bị y tế lạc hậu nên chưa có dịch vụ siêu âm tầm soát để theo dõi sức khỏe thai nhi và thai phụ. Vợ của ông Học mang thai đứa con út mà không biết mình bị bệnh tim. Đến khi sinh, bác sĩ mới phát hiện và thông báo bà bị suy tim cần phải mổ gấp nhưng chỉ cứu được mẹ hoặc con chứ không cứu được cả hai.
Người cha của 3 đứa con bùi ngùi nhớ lại: ”Lúc ấy tôi rất khó xử. Vợ tôi thì nằng nặc đòi cứu con. Thế là gia đình và các bác sĩ đành chiều theo bà ấy. Ca mổ kết thúc, các nữ hộ sinh trao con cho tôi và thông báo bà ấy đã qua đời. Tôi suy sụp chỉ biết ôm con mà khóc”.
Còn bà Phan Thị Dung 60 tuổi, sinh con vào giữa thập niên 80, nhớ lại thời bao cấp thích nhất là đi bệnh viện không phải tốn tiền, chi phí sinh con đã có nhà nước lo. Hồi ấy bà là mậu dịch viên tại một cửa hàng ăn uống ở xã Liên Nghĩa (nay là thị trấn), huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Thời ấy, phụ nữ được nghỉ thai sản rất ít, đi làm đến tận ngày lâm bồn. Bà Dung nhớ một buổi trưa năm 1985 đang ở sở làm thì đau bụng và có dấu hiệu vỡ ối. Nhà ở xa lại không có phương tiện công cộng như ngày nay, bà đi bộ ra đường lớn quá giang. May mắn bà gặp một người đi chiếc xe máy 67 dừng lại hỏi: ”Chị đau bụng đẻ hả? Để tôi đưa đi viện”. Người đàn ông tốt bụng phóng thẳng xe vào Bệnh viện huyện Đức Trọng cách đó 3 km. Vừa nằm lên bàn đẻ, bà Dung đã sinh ngay được một bé trai kháu khỉnh.
Người mẹ 2 con đến giờ vẫn còn ám ảnh cảnh nằm viện thời ấy. Sản phụ sinh xong được y tá cho nằm trên một chiếc giường sắt nhỏ kê bộ vạt tre rồi trải chiếu lên. ”Giường chiếu lâu ngày chưa được làm vệ sinh nên có nhiều gián, rận bò lên cắn ngứa. Y bác sĩ không niềm nở mà nói chuyện giống như ra lệnh kiểu ‘bước xuống, leo lên giường, cởi áo ra’ nên đa phần sản phụ rất sợ”, bà Dung nhớ lại. Không có băng vệ sinh như bây giờ nên những ngày hậu sản ra máu nhiều, sản phụ phải xé vải màn gấp thành từng xấp vuông để thấm máu, sau đó giặt sạch để dùng tiếp. Do vậy vấn đề vệ sinh hậu sản cũng không được đảm bảo.
Sau khi sinh con, bà Dung được nghỉ một thời gian ngắn rồi đi làm trở lại, phải nhờ cô em chồng ở nhà chăm con trai giúp. Thời ấy dịch vụ y tế chăm sóc trẻ em rất thiếu thốn. Trẻ bị bệnh viêm đường ruột, tiêu chảy chỉ cho uống thuốc lá dân gian chứ không biết cách xử trí, đến khi trở nặng mới đưa đến bệnh viện thì đã trong tình trạng nguy kịch. Con trai bà Dung cũng suýt chết vì bị tiêu chảy cấp. Người phụ nữ kể: ”Hôm ấy 2 vợ chồng đều đi trực, về đến nhà thấy con hôn mê mới đưa vào bệnh viện, bác sĩ nói chậm tí nữa là không cứu được”.
Lúc bấy giờ chưa có chương trình chủng ngừa văcxin quốc gia nên rất ít trẻ em được tiêm ngừa sởi, quai bị, bại liệt… Con trai của bà Dung lên 2 tuổi cũng bị bệnh sởi, thể trạng càng gầy.
Khó khăn thiếu thốn là thế song vợ chồng bà Dung động viên nhau cố gắng nuôi dạy con nên người. Con trai bà bị suy dinh dưỡng nhưng từ nhỏ đã tỏ ra là một đứa trẻ năng động, thông minh, một tuổi rưỡi biết nói, 3 tuổi biết hát hò kể chuyện. Hàng ngày, bà Dung lấy nền sân là nơi dạy chữ cho con. Bà dùng than củi viết chữ cái và số lên nền đất rồi chỉ cho con đọc. Cậu bé đến trường học cũng rất sáng dạ, làm bài luôn đạt điểm cao nhất lớp. Chàng trai ấy về sau thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TP HCM và trở thành bác sĩ nha khoa, hiện làm việc tại TP HCM.