Theo Independent, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) cho thấy từ ngày 7/10/2017 đến 23/12/2017, hơn 700 người tử vong vì cúm H3N2, trong đó ít nhất 30 trẻ em. Đầu tháng 12/2017, số tử vong còn cao hơn nhiều, với hơn 100 người chết mỗi tuần.
Bác sĩ tiêm vắc xin cúm cho người dân Mỹ. Ảnh: AP. |
So với năm 2016, số bệnh nhân tử vong do cúm ở Mỹ đã tăng gấp đôi và chưa hề có dấu hiệu giảm xuống. Trừ Hawaii, toàn bộ các bang đều bị virus tấn công. Tại một số nơi như Nam California và trung tâm Texas, các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải đến mức phải dựng lều tạm thời hoặc từ chối tiếp bệnh nhân.
Trên thực tế, các ca cúm thường tăng mạnh vào mùa đông, đặc biệt xung quanh khoảng thời gian Giáng sinh và năm mới. Nguyên nhân do người dân đi du lịch, tạo điều kiện phát tán virus.
Ngoài Mỹ, virus cúm H3N2 còn lây lan sang các quốc gia khác. Tuần trước, Bộ Y tế Anh cho biết 149 người đã tử vong và 4.500 người khác nhập viện do cúm. Để bảo vệ sức khỏe, giới chức nước này khuyến cáo cộng đồng tiêm văcxin. Đặc biệt, ai đã tiêm phòng cũng nên tiêm lại bởi virus cúm biến đổi hàng năm.
H3N2 là virus nguy hiểm nhất trong số các loại cúm theo mùa. Ở người khỏe mạnh, bệnh diễn biến lành tính, có thể hết sốt sau 3-5 ngày và hết mệt mỏi, ho kéo dài sau 2-3 tuần. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng, cúm có khả năng gây biến chứng viêm phổi, thậm chí dẫn đến tử vong.