Chứng ngưng thở khi ngủ tương đối phổ biến, ảnh hưởng tới 5-10% người lớn và 2-3% trẻ nhỏ. Bệnh do những thành phần mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng bị tụt vào trong đường thở, khiến kích thước đường hô hấp trên bị giảm, gây tắc nghẽn lưu lượng khí và giảm tín hiệu thần kinh đến các cơ hô hấp trong lúc ngủ.
Theo BuzzFeed, nếu bị ngưng thở khi ngủ, não nhanh chóng nhận ra cơ thể thiếu oxy và đánh thức bạn dậy để hô hấp qua các dấu hiệu như khịt mũi hoặc thở hổn hển. Hiện tượng này có thể xảy ra 5-30 lần mỗi tiếng đồng hồ.
Mức độ nặng hay nhẹ của chứng ngưng thở khi ngủ phụ thuộc vào số lần thức dậy để thở. Cụ thể, thức dậy 5-15 lần một giờ được coi là nhẹ, 15-30 lần là trung bình và từ 30 lần trở lên là nặng. Có bệnh nhân chỉ ngủ được khoảng 10 giây trước khi ngưng thở và tỉnh giấc 200 lần mỗi tiếng đồng hồ.
Thức dậy để thở phá hỏng chu kỳ ngủ, ngăn cản bạn rơi vào giấc ngủ sâu và buộc bạn bắt đầu một chu kỳ ngủ khác mỗi lần trở giấc. Kết quả, bệnh nhân ngưng thở khi ngủ không bao giờ đạt tới các giai đoạn ngủ phục hồi sâu nhất. Họ thường tỉnh dậy trong tình trạng kiệt quệ cả thể lực lẫn tinh thần. Dù ngủ suốt 12 tiếng, người bị ngưng thở khi ngủ vẫn cảm thấy thèm ngủ.
Ảnh: BuzzFeed. |
Bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ không nhớ gì về những lần thức giấc bởi cơ thể quay lại giấc ngủ ngay thời điểm được hô hấp khiến bộ não không kịp phát hiện ra. Họ chỉ biết về căn bệnh nếu người ngủ cùng thông báo, phàn nàn về những tiếng ngáy hoặc khụt khịt khó chịu. Trường hợp ngủ một mình, bệnh nhân dễ trở nên hoảng loạn do không hiểu tại sao mình mệt mỏi.
Nếu lâu không được điều trị, ngưng thở khi ngủ dẫn đến hàng loạt hệ quả sức khỏe dài hạn như huyết áp cao, đột quỵ, tăng cân. Đối với người từng mắc các vấn đề tim mạch, ngưng thở khi ngủ đặc biệt nguy hiểm, có thể dẫn đến cơn đau tim gây tử vong trong giấc ngủ.
Rượu, thuốc ngủ cùng các loại thuốc giãn cơ khiến chứng ngưng thở khi ngủ thêm trầm trọng. Các yếu tố khác như hen suyễn và hút thuốc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến căn bệnh.
Chứng ngưng thở khi ngủ được chẩn đoán bằng việc kết hợp các triệu chứng (mệt mỏi, cáu kỉnh khi thức dậy, đau đầu) với theo dõi cơ thể, bộ não trong lúc ngủ. Biện pháp điều trị phổ biến nhất là máy áp lực dương liên tục (CPAP), một dạng máy giúp thở không xâm lấn. Bệnh nhân cũng có thể chọn phẫu thuật hoặc sử dụng các thiết bị nha khoa chuyên biệt.
Minh Nguyên