Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vừa được Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành đặt mục tiêu nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Theo đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hóa tinh thần… ở nhiều nơi chưa được chú trọng, bảo đảm. Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chưa được khắc phục căn bản. Tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện. Số năm sống khỏe chưa tăng tương ứng với tuổi thọ.
Vì thế, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 tuổi thọ trung bình khoảng 74,5, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm. Năm năm sau, tuổi thọ trung bình sẽ khoảng 75, đạt tối thiểu 68 năm sống khỏe.
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt 73,4 tuổi tức mức khá cao so với thế giới, song tuổi khỏe mạnh lại thấp chỉ 64 tuổi, tức người già có nhiều bệnh tật. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính (tiểu đường, huyết áp…).
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%. Trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
Để thực hiện các mục tiêu này, ngoài tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, chính quyền, đoàn thể còn cần thực hiện các giải pháp nâng cao sức khỏe nhân dân. Cụ thể, tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam. Phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị của người Việt. Các sản phẩm, thực phẩm đóng gói phải có đầy đủ thông tin về thành phần, năng lượng, cảnh báo về sức khỏe trên bao bì.
Ngoài ra, Việt Nam cần đổi mới căn bản giáo dục thể chất, tâm lý, nhà trường tăng số môn tập luyện tự chọn, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường; phát triển phong trào rèn luyện thân thể; tăng cường công tác y tế học đường. Giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tới sức khỏe; chống lạm dụng hóa chất trong nuôi trồng…