Theo dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, mỗi năm thế giới có hàng trăm nghìn người chết do kháng thuốc và trung bình mỗi quốc gia mất từ 0,4 đến 1,6 % GDP cho phòng chống kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan quốc tế đã chỉ ra kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng, song cũng là thách thức điều trị trong tương lai.
Tại Việt Nam, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh đang đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Nguyên nhân chính làm gia tăng là việc sử dụng kháng sinh tùy tiện không có đơn của bác sĩ, người dân tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Không ít dược sĩ bán thuốc không đúng quy định.
Dược sĩ Thảo cho biết, kháng sinh là chất kháng khuẩn được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật, có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác. Để đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, cần nắm vững những kiến thức liên quan đến kháng sinh, vi khuẩn gây bệnh và người bệnh.
Thuốc kháng sinh. |
Cần lưu ý những bất lợi khi sử dụng kháng sinh như tiền sử dụng thuốc, cơ địa dị ứng của bệnh nhân, luôn sẵn sàng cấp cứu sốc phản vệ khi sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó cần theo dõi lâm sàng, đặc biệt đối với bệnh nhân suy giảm chức năng gan thận. Đặc biệt lưu ý với nhóm bệnh nhân trẻ em, phụ nữ có thai cho con bú, người già, người đang sử dụng nhiều thuốc.
Dược sĩ Thảo cho hay các tác dụng không mong muốn khi sử dụng kháng sinh thường gặp như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, sạm da, đau đầu, mất ngủ.
Bảy nguyên tắc khi sử dụng kháng sinh
– Lựa chọn kháng sinh và liều lượng cho hợp lý.
– Sử dụng kháng sinh dự phòng, tức là việc sử dụng kháng sinh trước khi nhiễm khuẩn.
– Sử dụng kháng sinh điều trị theo kinh nghiệm.
– Sử dụng kháng sinh khi có bằng chứng vi sinh.
– Lựa chọn đường đưa thuốc.
– Thời gian điều trị.
– Lưu ý tác dụng không mong muốn và độc tính khi sử dụng kháng sinh.
Những lưu ý khi sử dụng kháng sinh
Đối với bác sĩ:
– Chỉ kê đơn kháng sinh khi xác định nhiễm khuẩn.
– Kê đơn kháng sinh (thuốc, liều lượng, đường dùng) trên cơ sở phù hợp với yếu tố nguy cơ, khai thác tiền sử dụng thuốc dị ứng với người bệnh và bệnh lý nhiễm trùng.
– Tích cực hội chẩn bác sĩ chuyên khoa nhiễm để chọn lựa kháng sinh và liều lượng tối ưu nhất cho người bệnh.
– Đánh giá lâm sàng thường xuyên để theo dõi đáp ứng điều trị và điều chỉnh việc sử dụng kháng sinh hợp lý.
Đối với điều dưỡng:
– Tuân thủ y lệnh của bác sĩ, nắm rõ quy tắc cấy bệnh phẩm trước khi dùng thuốc kháng sinh.
– Bảo đảm việc dùng thuốc đúng, lưu ý việc dùng kháng sinh và lấy mẫu đo nồng độ cồn đúng giờ.
– Thực hiện việc pha thuốc, đường dùng thuốc theo y lệnh của bác sĩ, cảnh báo bác sĩ nếu dùng không đúng.
– Theo dõi đáp ứng bệnh nhân trong quá trình chăm sóc, hợp tác cùng bác sĩ để theo dõi bệnh nhân sát sao.
Đối với dược sĩ lâm sàng:
– Chủ động xây dựng các hướng dẫn liên quan đến kháng sinh như liều, cách pha, bảo quản thuốc, các thông số phục vụ cho việc lựa chọn kháng sinh của bác sĩ.
– Tuân thủ bán thuốc kê đơn tại khu vực nhà thuốc.
– Hội chẩn về liều, tương tác, các vấn đề liên quan đến kháng sinh.
Đối với người bệnh:
– Không sử dụng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.
– Tuân thủ trong việc sử dụng kháng sinh như uống thuốc đầy đủ, đúng thời gian.
– Khám bệnh ngay khi có các dấu hiệu bất thường.
– Ý thức được việc sử dụng kháng sinh hợp lý sẽ hạn chế được đề kháng kháng sinh.