Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tiên lượng tình trạng bệnh nhân người Sơn La rất nặng, nguy cơ cao tử vong cao.
Bệnh nhân bình thường khỏe mạnh, một tháng trước bị đau họng, sốt nhẹ, bác sĩ khám chẩn đoán viêm phế quản phổi. Sau một đợt điều trị bệnh giảm, 5 ngày gần đây sốt trở lại, đau người, nổi mụn nước, anh tự mua thuốc uống trong đó có kháng sinh, kháng viêm, đặc biệt thuốc medrol 16 mg.
Bệnh nhân xuất hiện nốt phỏng nước rất to, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong nốt phỏng. Ảnh: T.C. |
Hai ngày uống thuốc bệnh không giảm, bệnh nhân đến Bệnh viện Mộc Châu khám được chẩn đoán bị thủy đậu biến chứng nặng, bác sĩ kê thuốc kháng sinh, thuốc bọc niêm mạc dạ dày. Một ngày sau bệnh nhân xuất hiện bọng nước toàn thân, nốt phỏng nước to hơn bình thường nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 11/5. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ kháng virus thủy đậu, tuy nhiên đáp ứng rất kém.
Bác sĩ Vũ Minh Điền, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu hơn, nổi ban dày, xuất huyết trong nốt phỏng, xuất huyết dưới da, rối loạn đông máu, tiêu hết yếu tố đông máu; suy gan, thận nặng… Tiên lượng bệnh nhân khó qua khỏi.
Theo bác sĩ Điền, việc tự ý dùng loại thuốc điều trị không đúng bệnh của bệnh nhân đã khiến bệnh bùng phát mạnh mẽ hơn, là yếu tố tăng nặng bệnh. Medrol là một loại thuốc corticoid, có tác dụng chống viêm giảm phù nề nhưng tác dụng phụ là ức chế miễn dịch. Vì thế thuốc medrol không được khuyến cáo dùng cho các bệnh nhân bị thủy đậu. Thủy đậu xảy ra do cơ thể suy giảm miễn dịch, virus bùng phát, khi dùng thuốc ức chế miễn dịch thì sự bùng phát virus càng nghiêm trọng hơn.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có hai bệnh nhân tử vong do thủy đậu và đều liên quan đến việc tự mua thuốc điều trị có corticoid.
Bác sĩ khuyến cáo, năm nay có nhiều ca thủy đậu nặng, không diễn biến như bình thường. Khuyến cáo khi bị sốt, xuất hiện bỏng nước trên da, người bệnh nên đi khám, không nên tự ý mua thuốc uống. Bệnh thường xuất hiện ở những người chưa được tiêm phòng, cơ địa giảm miễn dịch, mụn nước rải rác từ trên đầu xuống chân, mụn rất nhỏ. Nếu mụn nước mọc nhanh, to hơn bình thường, người bệnh mệt hơn thì nên đến viện càng sớm càng tốt.
Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính toàn thân do virus varicella zoster gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra với người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện, nhất là trẻ nhỏ, người già và thai phụ.
Ở phụ nữ mang thai, đặc biệt thai kỳ khoảng 13-20 tuần, do hệ miễn dịch suy giảm nên nếu mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ…). Trẻ sơ sinh bị thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong lên đến 30%.
Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm chủng. Trẻ bệnh cần ít nhất 7-10 ngày để hồi phục lên cân lại. Phụ nữ nên tiêm văcxin phòng bệnh trước khi có thai; không được tiêm khi đã mang thai. Trẻ từ một đến 12 tuổi chỉ cần một liều văcxin là đủ ngừa bệnh. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều cách nhau ít nhất sáu tuần.