Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện lượng văcxin dại nhập khẩu về đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng trong cộng đồng. Cụ thể, trong tháng 5 nhập 267.200 liều văcxin, cao gấp đôi số lượng nhập khẩu trung bình một tháng năm ngoái. Trong số này có 103.000 liều văcxin Verorab, 139.200 liều văcxin Ahayrab và 25.000 liều văcxin dại Indirab. Dự kiến trong tháng 6 sẽ nhập thêm 231.900 liều văcxin dại.
Từ đầu năm đến nay Việt Nam lâm vào tình trạng thiếu văcxin phòng bệnh dại. Ba tháng đầu năm, đặc biệt là vào các tháng mùa hè, nhu cầu sử dụng văcxin dại tăng cao nên các đơn vị không có đủ hàng dự trữ. Ngoài ra, do giá dự thầu cao hơn giá mời thầu, một số đơn vị chưa chủ động thay thế nguồn văc xin khi nguồn cung hiện tại thiếu đột ngột nên đã xảy ra tình trạng khan hiếm.
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, hiện có 4 văcxin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và đã nhập khẩu hoặc có thể nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Quản lý Dược cho biết, khả năng thị trường cung ứng văcxin phòng dại trong năm 2018 cho Việt Nam là 2.156.740 liều, tăng 47% so với tổng lượng đã nhập trong năm 2017. Số lượng này cũng tăng 66% so với lượng văcxin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm.
Văcxin phòng dại là loại văcxin chống dịch bị động, không nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Cục Quản lý Dược lưu ý các Sở Y tế cần tham mưu UBND địa phương dự trữ văcxin để không lâm vào tình trạng khan hiếm văcxin dại.
Theo bác sĩ, dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi. Hầu hết trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm văcxin.