Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, 5 nam bệnh nhân vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong các ngày 22-27/2 tuổi 45-54, cư trú tại 5 quận huyện của Hà Nội là Đống Đa, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Ba Đình và Thanh Xuân. Các nạn nhân bị ngộ độc methanol rất nặng, đều uống rượu nấu pha chế thủ công, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. 2 người cho biết đã uống rượu tại khu vực phường Mỗ Lao (quận Hà Đông).
Từ đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm thành phố cùng các đơn vị liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở xã phường có bệnh nhân ngộ độc rượu, trong đó tập trung truy xuất nguồn gốc rượu, lấy mẫu xét nghiệm phân tích. Sở Công thương và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, kiểm tra, áp dụng các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu trên địa bàn. Hành vi kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), methanol vào trong cơ thể chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu uống liên tục với liều dù không cao song tích lũy dần gây tổn thương cho người bệnh. Đa số bệnh nhân ngộ độc methanol nhập viện muộn, đã có biểu hiện mờ mắt (thậm chí bị mù), hôn mê, rối loạn chuyển hóa nặng, tổn thương não, hoại tử não.
Tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/lít, bệnh nhân không thể qua khỏi. Những trường hợp khác thoát chết cũng để lại di chứng não, mắt rất nặng nề.
Nam Phương