Cháu bé bị chó tấn công khi ngồi chơi một mình trong lúc mẹ làm việc nhà. Bé được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) ngày 7/1 trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhi bị suy hô hấp, tràn khí màng phổi hai bên lượng nhiều, tràn khí dưới da cổ, ngực, bụng.
Các bác sĩ lập tức dẫn lưu tràn khí màng phổi hai bên và hồi sức nội khoa. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng thủng khí quản của bệnh nhi có dấu hiệu phục hồi, song bé vẫn còn hôn mê.
Bé trai vẫn hôn mê sau 4 ngày điều trị. Ảnh: Lê Phương. |
Trước đó đêm 4/1, bệnh viện tiếp nhận bé trai 5 tuổi từ Đăk Lăk bị chó cắn tổn thương rất nặng ở mặt. Khi người nhà phát hiện, răng chó đang cắm chặt vào mặt bé phải mất một lúc lâu mới kéo ra được. Mảng da mặt bị đứt rời được gia đình đặt vào hộp đá chở đi cấp cứu cùng bé.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết do thời gian vận chuyển đến bệnh viện quá lâu nên phần bị đứt rời này chỉ sống được một phần, còn lại đã hoại tử. Bệnh nhi được điều trị kháng sinh, ngừa nhiễm trùng.
“Vết thương sẽ rất khó lành, nhất là vùng cánh mũi. Nếu không cứu được vùng da bị tổn thương này, khi bé lớn lên phải lấy sụn vành tai đắp thay thế, tiên lượng khả năng thành công chỉ khoảng 50%”, bác sĩ Huy phân tích.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thỉnh thoảng bệnh viện tiếp nhận các trẻ bị chó cắn nhưng không nặng nề như hai em bé này. Những vết thương chó cắn thường làm dập mô, nhiễm trùng do tuyến nước bọt của chó nhiều vi khuẩn nên việc điều trị nhiều khó khăn. Phụ huynh cần hết sức chú ý, theo sát trẻ để tránh những tai nạn thương tâm, nhất là trong dịp gần Tết.