Nam thanh niên 23 tuổi quê Bình Phước bị chém vào hai tay do mâu thuẫn trong cuộc nhậu. Tay trái bị đứt rời, tay phải đứt gân cơ mặt trước, bệnh nhân được sơ cứu tại địa phương. Những người cứu hộ đã bảo quản phần chi đứt rời của nạn nhân trong túi nilon rồi chuyển lên TP HCM trong đêm cùng người bệnh.
Tay trái bệnh nhân đứt rời, tay phải đứt gân cơ. Ảnh: H.K |
Bác sĩ Nguyễn Văn An, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết 2 kíp mổ được huy động để tiến hành phẫu thuật song song nối cả hai tay cho bệnh nhân. Hai bác sĩ chịu trách nhiệm nối gân, mạch máu cẳng tay phải; kíp mổ khác lo vi phẫu nối bàn tay phải.
“Vết chém tay trái rất bén, đứt rời ngay xương cổ tay nên bác sĩ phải tháo bỏ một phần xương để đảm bảo ca nối thành công”, bác sĩ An chia sẻ. Trải qua ca phẫu thuật từ 1h40 đến 5h sáng, cả hai bàn tay bệnh nhân được nối hoàn tất. Một tuần sau mổ, hai tay bệnh nhân đều đang phục hồi tốt.
Bàn tay trái đứt lìa đang phục hồi tốt sau mổ. Ảnh: H.K |
Bác sĩ An khuyến cáo, khi gặp nạn đứt rời chi cần sơ cứu đúng cách và kịp thời đưa nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa trong thời gian vàng là những giờ đầu. Trường hợp đứt lìa chi khỏi cơ thể, cần cho phần đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại. Nếu có thể thì bọc phần rời này trong miếng gạc trước khi cho vào túi nilon. Đặt túi nilon trong đá lạnh.
Lưu ý tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh vì dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng. Phần tổn thương còn lại trên cơ thể nên băng bằng băng ép hay vải sạch để hạn chế mất máu. Tuyệt đối không rắc thuốc hay lá dân gian lên phần vết thương.
Nếu phần chi dập nát vẫn chưa đứt lìa, vẫn còn máu nuôi dưỡng, cần lấy vải sạch hoặc gạc bọc ngay phần vết thương dập nát. Phần phía trên vết thương dập nát, có thể dùng tay bóp chặt hoặc băng lại để giúp hạn chế mất máu và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa. Trường hợp di chuyển xa, nên băng gạc kèm thanh gỗ thẳng để cố định phần chi sắp đứt lìa trên đường đi.