Tháng 10/2015, bệnh nhân vào viện cấp cứu do bị tai nạn giao thông vỡ xương hàm, chấn thương cổ. Sau khi xuất viện, anh bắt đầu khàn tiếng, khó thở, thường xuyên mệt mỏi. Gần đây các triệu chứng ngày càng trầm trọng, nhiều đêm phải ngồi dậy mới thở được, anh đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM.
Bác sĩ Nguyễn Quang Tú, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết kết quả kiểm tra phát hiện dị vật ở đầu đường thở, ngay thanh môn. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết khi tai nạn có mất răng giả nhưng nghĩ là đã văng ra ngoài.
Dị vật nằm ở thanh môn bệnh nhân. |
Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi để lấy dị vật ra khỏi đường thở. Đó là một bản nhựa hình tam giác cong kích thước 2×4 cm, thành phần trong hàm răng giả đã rơi vào đường thở. Sau mổ bệnh nhân không còn khó thở, đang dần hồi phục.
Dị vật nằm cố định một chỗ và vẫn chừa khe hở nhỏ ở thanh môn nên dù nằm gần 2 năm trong thanh môn bệnh nhân vẫn thở được. Bác sĩ Tú cho biết theo thời gian, dị vật đã kích thích hình thành các mô hạt gây viêm xung quanh làm đường thở ngày càng hẹp, để lâu bệnh nhân có thể đột tử.
Theo bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, những trường hợp dị vật là răng giả ở đường thở rất ít gặp. Mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi khi sử dụng răng giả phải cẩn trọng khi ăn uống, cười nói. Theo thời gian nướu sẽ teo và lỏng lẻo, dễ dẫn đến tai nạn nuốt phải răng giả.