Bé trai 4 tuổi con chị Thơm đang được điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội). Bà mẹ hiện vẫn không thể tin được cậu con trai bé xíu của mình lại mắc bệnh sùi mào gà. Bé đã được phẫu thuật, hiện tiếp tục theo dõi và điều trị tại viện.
Từ tháng 6, chị Thơm phát hiện con trai có nốt trắng ở đầu dương vật trông như bã đậu nhưng không hề nghĩ đó là biểu hiện của bệnh sùi mào gà. Gia đình chị không có ai mắc bệnh này. Trước đó 2 tháng, qua giới thiệu của bạn bè, chị đưa con đến điều trị chít hẹp dương vật tại một phòng khám tư ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Trùng hợp là có rất nhiều bé trai mắc bệnh sùi mào gà do chữa bao quy đầu ở cùng phòng khám, giống như con của chị Thơm. Tiến sĩ Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trong 2 tháng qua bệnh viện đã khám và điều trị cho khoảng 150 trẻ mắc bệnh sùi mào gà. Trong đó có sự gia tăng bất thường số bệnh nhi tại huyện Khoái Châu, với 46 em trong số 52 bệnh nhân đến từ tỉnh Hưng Yên. Gia đình các cháu cho biết hầu hết bé đều được khám, điều trị chít hẹp bao quy đầu tại phòng khám tư nhân ở xã Dạ Trạch.
Sở Y tế Hưng Yên đã thành lập đoàn kiểm tra phòng khám tư này. Theo thanh tra Sở, tại thời điểm kiểm tra, phòng khám này đóng cửa. Phòng khám hoạt động không phép, không có bảng hiệu. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, giao trạm y tế địa phương mời người phụ trách phòng khám đến Sở Y tế làm việc vào chiều 18/7.
Theo tiến sĩ Doanh, sùi mào gà là một bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Vì thế, việc trẻ mắc bệnh với số lượng khá lớn, đột biến là hiện tượng cần được xem xét. Bệnh viện đã báo cáo tình hình về Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế và xin ý kiến để tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.
Sùi mào gà ở người lớn đa phần lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục. Trẻ nhỏ mắc bệnh thường do quá trình chăm sóc hoặc lây từ người lớn, do quá trình chăm sóc y tế bởi những can thiệp y tế (như chít hẹp bao quy đầu) không đảm bảo điều kiện vô trùng.