Được đặt tên theo nàng công chúa thả tóc xuống chân tháp cho hoàng tử leo lên trong truyện cổ tích của anh em nhà Grimm, hội chứng Rapunzel không hề dễ chịu. Nó là trạng thái bệnh lý nguy hiểm khiến con người liên tục nuốt tóc. Kết quả, số tóc rối lại, mắc kẹt, tạo thành búi tóc lớn ở dạ dày với phần đuôi kéo dài tới ruột non.
Đến nay, y văn thế giới mới ghi nhận 89 ca mắc hội chứng Rapunzel. Gần đây nhất, tạp chí BMJ đăng tải trường hợp một phụ nữ 38 tuổi (Mỹ) mang một búi tóc 15×10 cm ở dạ dày và một búi tóc 4×3 cm ở ruột non. Giống như 85-95% bệnh nhân khác, cô tới bệnh viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn và ói mửa. Các dấu hiệu khác của hội chứng bao gồm đầy bụng, giảm cảm giác thèm ăn, sụt cân, táo bón hoặc tiêu chảy. Nặng hơn, ruột bị đâm thủng sẽ gây ra nhiễm trùng huyết. Khoảng 4% bệnh nhân Rapunzel tử vong. May mắn, người phụ nữ kia đã hồi phục sau khi được phẫu thuật.
Ảnh minh họa: Choose Help. |
Tờ BMJ thống kê gần 70% người mắc hội chứng Rapunzel là phụ nữ dưới 20 tuổi. Bệnh nhân trẻ nhất là một em bé dưới 3 tuổi còn bệnh nhân già nhất là một người đàn ông 55 tuổi. Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn bởi sở hữu mái tóc dài.
Theo Medical Daily, nguyên nhân khiến con người nuốt tóc vẫn chưa được tìm ra. Giới y học đặt giả thiết những ai vốn đã mắc bệnh tâm thần như trichotillomania (nghiện giật tóc) và pica (ăn bậy) nhiều khả năng phát triển hội chứng Rapunzel. Cụ thể, người bị trichotillomania cảm thấy bắt buộc phải bứt tóc ra khỏi đầu rồi chơi với tóc để thư giãn. Một nghiên cứu thực hiện trên 24 bệnh nhân trichotillomania chỉ ra 25% số này có tóc kẹt trong bụng do nuốt quá nhiều tóc.
Người bị pica thích ăn những thứ kỳ quặc như đất sét, giấy, xà bông, vải, len, đá và tóc. Pica không được chẩn đoán ở các bé dưới 3 tuổi bởi cho đồ vật không phải thức ăn vào miệng ở giai đoạn này được coi như bình thường. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và bệnh nhân khuyết tật trí tuệ, nhất là tự kỷ.
Phẫu thuật là biện pháp điều trị tối ưu hội chứng Rapunzel. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng chất hóa học phá vỡ búi tóc thành các phần nhỏ hơn rồi xử lý tiếp bằng laser hoặc lấy ra bằng nội soi dù hiệu quả không cao bằng phương án đầu tiên.
Can thiệp tâm lý cũng được khuyến khích nhằm ngăn tái phát tình trạng ăn tóc, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc trichotillomania hoặc pica do stress. Sự tham gia của cha mẹ hoặc vợ/chồng suốt quá trình điều trị tâm lý vô cùng cần thiết để bệnh nhân hiểu rằng mình không cô đơn.
Minh Nguyên