Để nâng cao nhận biết về các dấu hiệu đột quỵ, giúp rút ngắn thời gian điều trị và giảm nguy cơ tổn thương lâu dài sau đột quỵ, Hiệp hội tim mạch Mỹ đã phát động chiến dịch mang tên FAST – là viết tắt của 4 nguyên tắc sau: – F – face: Mặt rủ xuống – A – arm: Tay yếu – S – speech: Phát âm khó khăn – T – time to call: Gọi ngay cấp cứu Chỉ cần nhớ quy tắc FAST này mọi lúc mọi nơi, bạn sẽ tầm soát được căn bệnh chết người này. Đặc biệt nữ tiến sĩ khuyên bạn lưu số cấp cứu trong điện thoại để gọi được ngay lúc khẩn cấp nhất. |
Tiến sĩ Donna Arnett sinh năm 1958 tại Kentucky, từng giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ kiêm chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Đại học Alabama ở Birmingham. Bà là một trong số ít người sống sót sau đột quỵ và trở thành người dẫn dắt Hiệp hội Tim mạch Mỹ phát triển.
Theo Everydayhealth, 27 tuổi Arnett bị quật ngã bởi cơn đột quỵ. Nữ tiến sĩ khi ấy còn là một cô gái trẻ vẫn nhớ như in sáng sớm hôm ấy bà dắt con chó Nikki đi dạo. Một lúc sau, bà gọi Nikki để quay lại nhà. Tuy nhiên, bà không thể cất lời. Từng làm y tá nên bà biết đây là một dấu hiệu của cơn đột quỵ. Tiến sĩ Arnett sau đó đã nói với sếp của bà là một bác sĩ tim mạch rằng “tôi nghĩ tôi bị đột quỵ” và người ấy tưởng bà đang đùa.
Cơ thể Arnett tiếp tục xuất hiện các triệu chứng rõ rệt như sùi bọt mép, cánh tay trái không thể cử động, sau đó đến chân trái. Cuối cùng bà không thể nói được. “Khi được đưa đến bệnh viện, tôi không thể nói được nữa dù vẫn nhận thức được chính xác, chi tiết mọi thứ xung quanh đang diễn ra”, nữ tiến sĩ nói.
Tiến sĩ Donna Arnett. Ảnh: D.A |
Tiến sĩ Donna Arnett cho biết, lúc ấy bà không đau đớn về thể xác nhưng cảm thấy tổn thương về tinh thần ghê gớm. Bà đau buồn khi nghĩ mình không thể cử động và không thể giao tiếp nữa. “Cuộc sống của tôi sẽ thế nào trong trạng thái nằm liệt giường này. Tôi thật sự bất lực”, bà Arnett nhớ lại.
3 ngày trước đó, khi trải qua một ca phẫu thuật nhỏ, bà phải đối mặt với tình trạng có 2 cục máu đông hình thành xung quanh 2 van tim. Buổi sáng định mệnh đó, cục máu đông đã vỡ ra và di chuyển đến thùy thái dương não, gây ra tổn thương và đột quỵ. May mắn, bà đã thoát chết và phục hồi.
Ra viện, Arnett phải đối mặt với những thách thức để phục hồi trí nhớ. Bà phải học lại từ đầu những điều đơn giản nhất như lịch trình công việc hàng ngày, đọc lịch làm việc, đi bộ trên máy. Sau khi tìm ra được nguyên nhân đột quỵ do cục máu đông, nữ tiến sĩ đã dùng thuốc chống đống máu trong hơn 20 năm. Đồng thời, mỗi ngày bà luôn cố gắng để học lại những thứ đã mất sau cơn đột quỵ, kể cả giọng nói.
Năm 2012, với sự nỗ lực không ngừng cùng kinh nghiệm và kiến thức dày dạn trong lĩnh vực tim mạch, tiến sĩ Arnett chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hiệp hội tim mạch Mỹ.
Tiến sĩ Donna Arnett trở thành Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Ảnh: USAToday. |
Theo báo cáo của CDC, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 ở Mỹ, giết chết khoảng 130.000 người mỗi năm. Cựu Chủ tịch AHA khuyến cáo 6 dấu hiệu đột quỵ ai cũng cần biết trước khi quá muộn. Một trong số những dấu hiệu nổi bật nhất của đột quỵ là không thể nói kèm theo một số dấu hiệu khác như: Sắc mặt rủ xuống; Cánh tay yếu; Tê đột ngột hoặc yếu một bên chân; Dễ bị nhầm lẫn; Một hoặc 2 bên mắt có tầm nhìn kém; Đột ngột đau đầu nặng.
Tiến sĩ Arnett cho biết, mọi người thường chủ quan hoặc thiếu hiểu biết về căn bệnh đáng sợ này. Tuy nhiên hiện nay y tế phát triển, có rất nhiều phương pháp điều trị có thể giúp bệnh nhân nhanh chóng giảm thiểu thiệt hại, hồi phục nhanh sau đột quỵ.
Các điều kiện có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ bao gồm các vấn đề về tim như rung nhĩ, cholesterol cao, thừa cân, béo phì và hút thuốc lá. Cao huyết áp cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến đột quỵ. Arnett khuyên “Biết mức huyết áp của bạn và kiểm soát nó để tránh đột quỵ”.
Hướng dẫn tự cứu mình khi có dấu hiệu đột quỵ