Home » Khỏe và đẹp » Huấn luyện viên yoga phải có chứng chỉ hành nghề vấp phản ứng trái chiều

Huấn luyện viên yoga phải có chứng chỉ hành nghề vấp phản ứng trái chiều

Tổng Cục Thể dục Thể thao thông báo tháng 4 tập huấn nghiệp vụ cho huấn luyện viên môn yoga khu vực miền Bắc, tháng 5 đến khu vực miền Nam và miền Trung trong tháng 6. Huấn luyện viên tham gia tập huấn là các giáo viên bộ môn đã có ít nhất 300 giờ dạy ở các cơ sở. Theo quy định, giáo viên yoga không tham gia tập huấn và không được cấp chứng chỉ hành nghề thì không được phép đứng lớp giảng dạy cho học viên.

Quy định này đang vấp phải phản ứng của nhiều huấn luyện yoga. Một giáo viên yoga lâu năm ở Hà Nội cho rằng quy định này chưa rõ ràng và có rất nhiều điều mơ hồ. Ví dụ, tham gia tập huấn là huấn luyện viên yoga có ít nhất 300 giờ dạy ở các cơ sở, tuy nhiên căn cứ nào để biết được giáo viên đó đã dạy đủ 300 giờ hay chưa.

“Nhiều giáo viên yoga mới vào nghề được một thời gian ngắn, chưa hiểu thực sự về triết lý, phương pháp của yoga nhưng nếu tham gia tập huấn vẫn được cấp giấy chứng nhận và được hành nghề”, nữ huấn luyện viên này chia sẻ.

huan-luyen-vien-yoga-phai-co-chung-chi-hanh-nghe-vap-phan-ung-trai-chieu

Một học viên nhiều năm tập yoga ở TP HCM. Ảnh: Kiều Diễm.

Yoga ở Việt Nam có được coi một môn thể thao hay không cũng là vấn đề gây tranh cãi. Giám đốc một trung tâm yoga ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho rằng, yoga được coi là hệ thống các bài tập thực hành giúp nâng cao sức khỏe, thể chất và tâm lý. Luyện tập yoga giúp hoàn thiện thể chất và tinh thần cho mọi người. Bà nói: “Yoga chỉ có thể trình diễn kỹ thuật, hướng dẫn các động tác chứ rất khó thi đấu như một môn thể thao chuyên nghiệp”.

Thực tế, hiện nay chưa có thống kê đầy đủ số lượng các câu lạc bộ, trung tâm và huấn luyện viên yoga. Trong khi đó nhu cầu học thực hành yoga rất lớn dẫn đến sự nở rộ các trung tâm yoga trên khắp cả nước. Trình độ của các giáo viên yoga cũng chênh lệch nhau. Do đó các huấn luyện viên yoga lâu năm đều cho rằng cần thiết phải có sự chuẩn hóa về trình độ, bằng cấp và chứng chỉ hành nghề của giáo viên yoga, tránh có sự hiểu sai hay quảng cáo quá mức về bộ môn này.

Bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc một trung tâm yoga băn khoăn: “Hiện nay có rất nhiều cơ sở dạy yoga của các công ty, tổ chức và cá nhân, tôi mong có quy định cụ thể trong quản lý, đào tạo giáo viên để yên tâm hoạt động”.

Ở một góc độ khác, ông Vũ Trọng Lợi, Chủ tịch Liên đoàn yoga Việt Nam cho rằng chính vì trước đây chưa có cơ quan nào quản lý, kiểm tra các hoạt động đào tạo yoga mà thông tin về bộ môn này chưa thực sự đầy đủ và chính xác. Yoga thậm chí còn được hiểu là phương pháp tâm linh nào đó để giúp con người có được sức khỏe. “Thực tế không phải như vậy. Yoga là những hoạt động cơ bắp bình thường, có rèn luyện, có phát triển và có thể dẫn đến những chấn thương đáng tiếc nếu không tập đúng kỹ thuật”, ông Lợi nói.

Quan điểm của người đứng đầu Liên đoàn yoga Việt Nam là nên đưa yoga thành môn thể thao chuyên nghiệp. Nhờ vậy sẽ hệ thống hóa các bài tập, tiêu chuẩn hóa nội dung, hoạt động giảng dạy yoga được tổ chức quy củ và bài bản hơn.

Thừa nhận còn nhiều bất cập, vướng mắc trong quản lý, cấp phép hành nghề yoga hiện nay, ông Lợi  hy vọng lớp tập huấn cấp chứng chỉ hành nghề là cơ hội để các huấn luyện viên bộ môn góp ý kiến hoàn thiện các hoạt động, phương pháp thực hành yoga.

Mỹ Tâm