Home » Khỏe và đẹp » Kết luận chuyên môn vụ cô gái kiện bệnh viện thẩm mỹ làm hỏng ngực

Kết luận chuyên môn vụ cô gái kiện bệnh viện thẩm mỹ làm hỏng ngực

Liên quan đến vụ bệnh nhân phản ánh bị tai biến sau khi nâng ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kim Cương A&B (Hà Nội) gần một năm trước, ngày 19/4, bệnh viện họp báo công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế.

Hội đồng này được lập theo đề nghị của Cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Nhiệm vụ của hội đồng là xem xét quá trình chẩn đoán, điều trị, chăm sóc có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật với bệnh nhân. Hội đồng đã họp 4 phiên và đưa ra kết luận về 16 vấn đề.

Theo kết luận này, bệnh viện được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động; bác sĩ điều dưỡng tham gia khám, tư vấn, phẫu thuật, theo dõi chăm sóc cho bà Linh đều có chứng chỉ hành nghề phù hợp. Việc khám, tư vấn, làm các xét nghiệm, lập hồ sơ bênh án nhập viện, ký bản cam kết giữa hai bên… đều được thực hiện đúng quy định chuyên môn. Quá trình gây mê, phẫu thuật diễn ra bình thường.

Ngoài ra, các loại giấy tờ, biểu mẫu trong hồ sơ bệnh án đủ theo quy định, được ghi chép đủ các mục. Tuy nhiên, Hội đồng nhận thấy ghi chép về việc theo dõi, chăm sóc những ngày sau phẫu thuật, nhất là tình trạng trước khi ra viện và khi rút dẫn lưu chưa được đầy đủ, chi tiết trong phiếu điều trị cũng như phiếu chăm sóc người bệnh.

Về những biểu hiện của người bệnh sau đặt túi nâng ngực như có máu tụ dưới da vùng ngực phải và có dịch quanh túi gel, Hội đồng chuyên môn cho rằng sau phẫu thuật đặt túi gel thông thường có thể có lượng dịch nhất định quanh túi gel. Các triệu chứng này sẽ giảm và hết dần theo thời gian. Sau phẫu thuật, bà Linh đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống phù nề. Bệnh viện đã mời chuyên gia xem xét đánh giá, theo ghi chép tại hồ sơ bệnh án. Việc chuyên gia xem xét đánh giá chưa thực hiện là do người bệnh không đến.

Hội đồng chuyên môn khuyến nghị, nếu người bệnh có nguyện vọng hội chẩn bởi các nhà chuyên môn về thẩm mỹ ngực thì làm đơn gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, để được giới thiệu khám, hội chẩn. Hội đồng cũng đề nghị Công an quận Hoàn Kiếm điều tra xác minh về cách ứng xử của Bệnh viện Kim Cương như phản ánh của người bệnh vì việc này Hội đồng không có thẩm quyền và nghiệp vụ chuyên môn để kết luận.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị cảnh sát điều tra căn cứ vào kết luận của hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế lập để xem xét giải quyết vụ việc.

Luật sư Phạm Thanh Sơn, đại diện pháp lý cho Bệnh viện Kim Cương cho biết, gần một năm xảy ra khiếu kiện giữa hai bên, bệnh viện phải ngừng hoạt động trong thời gian chờ đợi kết luận của Sở Y tế và Bộ Y tế. Tính đến quý 1/2018 bệnh viện thiệt hại 21 tỷ đồng, là những chi phí liên quan đến thuê mặt bằng, trả tiền bác sĩ, điều dưỡng, nhân công. Ngoài ra còn có những thiệt hại vô hình không thể đong đếm được.

“Chúng tôi muốn rõ ràng thông tin để làm ăn, không coi việc khởi kiện, đòi bồi thường thiệt hại là quan trọng. Quan trọng nhất là gây dựng lại uy tín và đảm bảo chất lượng tốt hơn”, luật sư Sơn nói.

Liên quan đến kết luận này, nữ bệnh nhân cho rằng Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp và làm việc không đúng theo quy định khi không mời chị đến, không khám mà đã đưa ra kết luận. Chị cũng viện dẫn văn bản của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm gửi Bộ Y tế nêu rõ 16 nội dung Hội đồng xem xét không có nội dung nào liên quan “có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật”.

Chị cho rằng việc Hội đồng không kết luận rõ làm tòa án khó giải quyết vụ kiện của chị. Điều này khiến chị lâm vào tình thế tiến thoái: “mổ tháo túi độn ngực ra thì không còn chứng cứ, để lại thì sợ không biết ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, tinh thần hoang mang”. 

Bệnh nhân cũng cho rằng việc Bệnh viện Kim Cương thiệt hại 21 tỷ không liên quan đến mình vì có thời gian bệnh viện xin phép “tạm dừng hoạt động để sửa chữa”. 

Hiện ngực của chị vẫn bị tụ dịch, đau tức, nằm nghiêng vẫn đau, sờ vào bên dưới phát ra tiếng kêu của túi ngực, mũi bị lệch… Thời gian qua, chị đã phải đến nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong nước và Nhật để thăm khám, tìm phương án giải quyết. Ngày 29/1, chị đi khám, kết quả siêu âm vẫn thấy có dịch giữa túi gel.

Người phụ nữ cũng liên tiếp gửi đơn đến nhiều nơi, trong đó có tòa án quận Hoàn Kiếm, yêu cầu giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với Bệnh viện Kim Cương.

Được bác sĩ chỉ định tháo túi độn ngực nhưng chị không thực hiện vì sợ không còn chứng cứ. Do đó chị rất lo lắng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngày 5/5/2017 nữ khách hàng đến Bệnh viện Chuyên khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Kim Cương A&B ở để nâng ngực làm đẹp. Ca phẫu thuật nâng ngực kéo dài 7 giờ diễn ra vào ngày 13/5/2017. Một tuần sau ngực chị bắt đầu có biểu hiện bầm dập, vết mổ chảy máu và dịch, đau đớn. Chị quay lại bệnh viện và được cắt chỉ một bên, bác sĩ hẹn hai ngày sau cắt tiếp chỉ bên còn lại vì bị chảy máu. Cô gái cho rằng bệnh viện có sai sót về chuyên môn, phẫu thuật làm hỏng ngực của mình.

Trong khi đó, phía bệnh viện khẳng định mình không hề có sai sót. Hiện tượng tụ máu vết mổ là do tổn thương mao mạch trong quá trình phẫu thuật và hoàn toàn bình thường, đặc biệt với các ca đại phẫu như nâng ngực. Tình trạng chảy dịch cũng là phản ứng tự nhiên của cơ thể trong quá trình giải phóng dịch máu cũ ra ngoài.