Tại hội nghị phổ biến tiêu chuẩn quốc gia về khăn ướt sử dụng một lần ngày 23/9, bà Thái Quỳnh Hoa, Trưởng phòng tiêu chuẩn sản phẩm tiêu dùng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, sản phẩm này có mặt tại nước ta hơn 10 năm nay và ngày càng phổ biến. Nó được sử dụng để vệ sinh cho trẻ em hàng ngày, gần như trở thành hàng tiêu dùng thiết yếu.
Hiện có khoảng 53 nhãn hàng khác nhau, sản xuất trong nước và nhập khẩu. Suốt thời gian dài, mặt hàng này không có tiêu chuẩn cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tự công bố tiêu chuẩn và tự chịu trách nhiệm với chất lượng sản phẩm. Điều này dẫn đến thị trường khăn giấy ướt bị thả nổi trong quản lý. Thực tế, cơ quan chức năng phát hiện một số loại không nhãn mác, trôi nổi có chất gây kích ứng da.
Bà Thái Quỳnh Hoa, Trưởng phòng tiêu chuẩn sản phẩm tiêu dùng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam. |
Năm 2016, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cùng nhiều bên phối hợp khảo sát, tham khảo quy định nhiều nước, xây dựng bộ tiêu chuẩn về khăn giấy ướt dùng một lần. Trong đó quy định khăn ướt dùng một lần không có vết ố, không có tạp chất lạ, pH nước ép ở mức 4,5-7,5, hàm lượng formaldehyde không lớn hơn 30 ppm, không có chất tẩy trắng quang học, không có vi sinh vật gây bệnh, độ kích ứng da không đáng kể…
Theo tiến sĩ Lê Thị Hường Hoa, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, khăn ướt dùng một lần là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nó được xếp vào nhóm có khả năng gây mất an toàn cao với sức khỏe nếu không có quy định về liều lượng và thời gian sử dụng.
Đồng tình với quan điểm này, bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cũng cho biết, đây là mặt hàng có nhiều dung dịch ngâm tẩm, chất bảo quản, tạo mùi, tạo màu tiếp xúc trực tiếp với chân, tay, miệng, bộ phận sinh dục… cả người lớn và trẻ em, nên có nhiều nguy cơ gây mất an toàn.
Tại Việt Nam, khăn giấy ướt dùng một lần chưa được xếp vào nhóm mỹ phẩm, nhưng có công dụng và phạm vi áp dụng gần giống mỹ phẩm. Vì thế các chuyên gia hy vọng tương lai nó được xếp vào nhóm mỹ phẩm để quản lý chặt. Một số nước đã xếp vào nhóm mỹ phẩm để quản lý, quy định một số chất cấm không được sử dụng.