Home » Khỏe và đẹp » Khối u ruột non khiến người phụ nữ bị lồng ruột hiếm gặp

Khối u ruột non khiến người phụ nữ bị lồng ruột hiếm gặp

Khoảng một tháng nay, người phụ nữ bị đau bụng, bụng thường xuyên chướng hơi, có lúc buồn nôn. Chị đã đi khám ở nhiều nơi, được chẩn đoán viêm dạ dày, uống nhiều loại thuốc khác nhau nhưng bệnh tình không giảm. Tình trạng đau kéo dài khiến chị không thể ăn uống, cân nặng giảm nhanh chóng từ 57 kg xuống còn 46 kg.

Gần đây, cơn đau dữ dội hơn từ vùng thượng vị lan ra hố chậu phải, chị vào Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu. Các xét nghiệm siêu âm, chụp CT ổ bụng cho thấy bệnh nhân bị lồng ruột do có khối u tại ruột non. Bác sĩ chỉ định tháo lồng, cắt bỏ khối u cho bệnh nhân. Khối u được cắt bỏ có kích thước 5×5 cm. Kết quả xét nghiệm là khối u cơ trơn lành tính của ruột non.

Bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Lồng ruột là bệnh lý nghiêm trọng trong đó một khúc ruột di chuyển và chui vào lòng của khúc ruột khác. Khối lồng thường ngăn cản thức ăn và dịch di chuyển xuống phía dưới. Thành ruột ép vào nhau gây phù nề, viêm và giảm nguồn cung cấp máu tới phần ruột bị ảnh hưởng. Kết quả là ruột có thể bị nhiễm trùng, hoại tử và thủng.

Lồng ruột ở người lớn có tỷ lệ 1-5% còn lồng ruột ở trẻ em chiếm tỷ lệ 90% và 5% còn lại là trường hợp tắc ruột. Các trường hợp lồng ruột ở trẻ em thường không rõ nguyên nhân, nhưng ở người lớn thì ngược lại, hơn 90% nguyên nhân do u, chủ yếu u ở ruột non và đại tràng. Một số khác do viêm hạch mạc treo, viêm hồi manh tràng mạn, có túi thừa meckel, manh tràng di động. Bệnh hiếm gặp ở người lớn lên đa phần các ca lồng ruột ở người lớn thường bị bỏ sót, chẩn đoán muộn.

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bó cho biết, điều trị lồng ruột ở trẻ nhỏ có thể sử dụng phương pháp bơm hơi tháo lồng hoặc phẫu thuật. Lồng ruột ở người lớn thì chỉ có phẫu thuật mới giải quyết được dứt điểm nguyên nhân gây lồng ruột và tránh nguy cơ tái phát.

Lê Nga