Tiểu đường trong thai kỳ xảy ra khi cơ thể không thể đáp ứng với nhu cầu insulin tăng thêm dẫn đến tăng cao đường máu. Bác sĩ Lê Minh Quang, Bệnh viện Quốc tế City cho biết tiểu đường thai kỳ cần được kiểm soát thông qua theo dõi mức đường máu, áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên. Khoảng 10-20% thai phụ bị tiểu đường cần dùng thêm insulin để kiểm soát đường máu tốt hơn. Sau khi sinh, bệnh nhân không cần dùng insulin nữa.
Nếu tiểu đường thai kỳ không được theo dõi và quản lý tốt, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như trẻ sinh thừa cân, sảy thai, sinh non hoặc thai lưu. Trẻ thừa cân có thể tăng nguy cơ chấn thương lúc sinh, khi mổ lấy thai, sinh bằng forceps, phải săn sóc đặc biệt sau sinh.
Ngày nay có thể theo dõi đường máu một cách liên tục với các thiết bị nhỏ gọn dán lên da, được gọi là hệ thống theo dõi đường máu liên tục. Các hệ thống này được kết nối không dây với điện thoại của bệnh nhân và có thể chia sẻ với bác sĩ để theo dõi trực tiếp, liên tục mức đường trong máu 288 lần mỗi ngày mà không cần phải trích máu đầu ngón tay.
Thai phụ cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Ảnh: M.T |
Ăn uống đúng cách khi bị tiểu đường thai kỳ
Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ được khuyến khích ăn từng lượng nhỏ một cách thường xuyên và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh. Lựa chọn thực phẩm đa dạng và hấp dẫn giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều chất xơ.
Carbohydrates
Carbohydrates là thực phẩm được cơ thể chuyển hóa thành đường glucose, bao gồm trái cây, gạo, ngũ cốc, bánh mì nguyên hạt, mì ống, khoai tây, khoai lang, bắp ngô, các loại đậu, trái cây, sữa, sữa chua… Để kiểm soát mức đường trong máu, phải phân bố các thực phẩm chứa carbohydrate đều vào ba bữa chính và 2-3 bữa phụ mỗi ngày.
Các loại thực phẩm chứa carbohydrate ít giá trị dinh dưỡng, hạn chế dùng là đường, nước ngọt, nước ép trái cây, bánh ngọt, bánh quy.
Chất béo
Ưu tiên chất béo chưa bão hòa như dầu oliu, bơ, các loại hạt. Hạn chế ăn thịt mỡ, da và các thức ăn chế biến sẵn. Ưu tiên uống sữa giảm béo.
Chất đạm
Nên ăn hai phần nhỏ mỗi ngày thực phẩm nhiều đạm như thịt nạc, gà bỏ da, cá, trứng. Các loại thực phẩm này không làm tăng đường máu. Sữa, sữa chua, các loại đậu là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng nhưng cũng chứa nhiều carbohydrate.
Canxi và chất sắt
Nhu cầu canxi và chất sắt của cơ thể tăng trong thai kỳ. Nên dùng 2-3 bữa thực phẩm giàu canxi mỗi ngày như sữa, sữa chua hoặc phô mai. Chất sắt có nhiều trong thịt đỏ, gà, cá. Nếu bạn ăn chay, có thể cần dùng thêm thuốc bổ sung chất sắt.
Các loại thực phẩm khác
Ăn thoải mái thực phẩm giàu dinh dưỡng không gây tăng cân và tăng đường quá mức như dâu tây, chanh dây và tất cả loại rau củ, ngoại trừ khoai tây, khoai lang, bắp ngô, các loại đậu. Nên ăn nhiều rau, ít nhất hai lần mỗi ngày.
Nước uống và đường ăn kiêng
Thức uống tốt nhất là nước đun sội để nguội, nước lọc đóng chai hoặc nước khoáng. Tránh nước ngọt, nước có ga, nước có chứa cafein. Nước ngọt dành cho người ăn kiêng hoặc các chất tạo ngọt không năng lượng như đường ăn kiêng, đường thuốc thật sự không phải vô hại, vì vậy hạn chế sử dụng.
Duy trì vận động
Hoạt động với cường độ trung bình nhằm duy trì mức đường trong máu ổn định. Cường độ hoạt động “trung bình” có nghĩa là mức hoạt động đủ làm tăng nhẹ hơi thở và nhịp tim ghi nhận được. Nếu không có bệnh lý sản khoa hoặc nội khoa nào đặc biệt, bạn có thể tập thể dục một cách an toàn khi mang thai.
Sau khi sinh
Thông thường tiểu đường thai kỳ sẽ hết sau khi sinh. Thông thường 6 tuần sau khi sinh, người mẹ phải kiểm tra đường máu để đảm bảo đã trở về bình thường. Phụ nữ tiểu đường thai kỳ sẽ tăng nguy cơ phát triển tiểu đường tuýp 2, nên kiểm tra tầm soát ít nhất 2-3 năm một lần. Duy trì trọng lượng thích hợp, ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên.
Có nên cho con bú khi bị tiểu đường thai kỳ?
Khuyến khích tất cả bà mẹ cho con bú, bao gồm mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Bú sữa mẹ là khởi đầu hoàn hảo nhất cho em bé và có thể giúp bạn giảm cân.