Bé trai được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện E trong tình trạng mắt trái đau nhức và nhìn mờ. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo ở khoa Mắt, Bệnh viện E, cho biết trẻ bị rách giác mạc ở nhiều vị trí, vết rách dài nhất khoảng 5 mm, có nhiều mảnh kính nhỏ găm vào giác mạc.
Bé được mổ cấp cứu lấy dị vật trong giác mạc và khâu phục hồi nhãn cầu. Trong ca phẫu thuật kéo dài một giờ, các bác sĩ lấy nhiều mảnh kính nhỏ nằm trong lớp giác mạc bị rách, làm sạch vết thương, khâu bảo tồn giác mạc… Tai nạn được dự đoán sẽ để lại sẹo giác mạc và giảm thị lực cho trẻ.
Bác sĩ kiểm tra mắt cho một bệnh nhân. Ảnh: T.X. |
Người nhà cho biết, chiều 9/3, bé chơi đùa ở trường và chạy qua chỗ các bạn đang tháo nghịch một chiếc bàn học bị hỏng. Một chiếc que được các cháu gỡ không may đập vào mắt trái của bé khiến kính cận vỡ.
Theo bác sĩ Thảo, trẻ độ tuổi 6-11 rất hiếu động nên tai nạn học đường liên quan đến mắt là khó tránh khỏi. Theo thống kê, có đến 90% tai nạn mắt có thể phòng tránh được. Tai nạn có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi song ở nhà là nhiều nhất (47%), khi vui chơi 15%…
Khoa Mắt từng cấp cứu một số tai nạn gây thương tích cho trẻ như bút đâm vào mắt, gáy bìa sách đập vào mắt, bị bạn đấm vào mắt, ngã va đập vào mắt… Trẻ có thể bị xước giác mạc, rách lớp giác mạc, xuất huyết tiền phòng, vỡ nhãn cầu…
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo trẻ cần đề phòng các vật dụng sắc nhọn như bút, cạnh bàn, thanh sắt… có thể gây hại nghiêm trọng cho mắt. Chấn thương mất có thể khiến trẻ bị mù vĩnh viễn hoặc khả năng nhìn hạn chế. Khi trẻ gặp tai nạn cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa về mắt để được điều trị kịp thời, tránh mù lòa.
Nam Phương