Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hải Yến cho biết Orthokeratology (tạo hình giác mạc) là phương pháp điều trị cận thị không phẫu thuật, không xâm lấn. Kính tiếp xúc cứng Ortho-K đeo ban đêm khi đi ngủ để điều chỉnh hình dạng giác mạc, qua đó điều chỉnh độ cận thị. Phương pháp này không làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và cấu trúc của giác mạc, tạo cảm giác an toàn.
Kính tiếp xúc cứng Ortho-K được đeo vào ban đêm khi ngủ. Ảnh: chicagolandeye |
Theo bác sĩ Hải Yến, kính được dùng cho tất cả những ai cảm thấy vướng víu, bất tiện khi đeo kính gọng, khi tham gia các hoạt động thể thao mà luôn bị cặp mắt kính gọng gây cản trở. Người bị khó chịu khi đeo kính tiếp xúc mềm ban ngày. Người còn lo ngại những nguy cơ của phẫu thuật, chưa đủ tuổi hay chưa sẵn sàng mổ và đặc biệt là tình trạng tăng độ quá nhanh sau mỗi lần kiểm tra mắt định kỳ, nhất là trẻ em ở lứa tuổi từ 8 đến 15.
Phương pháp này được dùng cho những người bị cận nhẹ hoặc trung bình không kèm hoặc kèm loạn thị từ 2 đi-ốp trở xuống. Kính đạt hiệu quả điều trị cao ở những người cận thị dưới 6 đi-ốp, phổ biến tại Việt Nam khoảng 2 năm nay.
Những người không thích hợp với kính
– Mắt đang bị tổn thương, viêm hay nhiễm trùng mi mắt, bán phần trước của mắt hay có những bất thường khác trên giác mạc.
– Khô mắt nặng.
– Đang mắc các bệnh toàn thân có thể ảnh hưởng tới mắt như tiểu đường, cao huyết áp…
– Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc ngâm, bảo quản kính.
– Mắt trở nên ngứa hoặc đỏ khi đeo kính.
Cách sử dụng kính
Rửa sạch tay và vệ sinh sạch sẽ kính trước khi đeo bằng dung dịch chuyên biệt. Nên đeo kính trước khi ngủ khoảng 15 phút và đeo trong thời gian 6-8 tiếng mỗi đêm. Thời gian ban đêm đeo càng dài thì hiệu quả trong ngày sẽ càng lâu. Kính tháo ra khỏi mắt vào sáng hôm sau và có thể nhìn rõ mà không cần phải đeo kính gọng hay kính tiếp xúc mềm trong 8-12 tiếng.
“Tùy theo độ khúc xạ ban đầu và các đặc điểm mắt riêng của mỗi người, có thể cần 1 đến 4 tuần để đạt thị lực tối đa. Một số người có thể nhìn rõ chỉ sau vài ngày hoặc thậm chí ngay ngày hôm sau”, bác sĩ Hải Yến chia sẻ.
Một số lưu ý khi sử dụng
– Nếu khó gỡ kính ra khỏi mắt, nên nhỏ vài giọt dung dịch bôi trơn vào mắt và chờ cho đến khi kính di chuyển trở lại mới tháo khỏi mắt.
– Nếu đỏ, đau, cộm xốn, chảy nước mắt khi đeo kính thì nên tháo kính ra, vệ sinh sạch sẽ rồi đeo lại. Trường hợp vẫn còn tiếp tục thấy khó chịu thì nên lập tức tháo kính ra và đến bác sĩ kiểm tra lại mắt.
– Khi mắt có chất tiết bất thường (ghèn, mủ…) nên đến bác sĩ khám và đánh giá tình trạng mắt. Không nên tháo lắp kính tiếp xúc trước bồn rửa tay để tránh kính bị rớt và trôi theo lỗ thoát nước. Thường xuyên lau chùi sạch sẽ khay đựng kính và các dụng cụ đi kèm. Thay dung dịch ngâm kính mỗi ngày.
– Loại kính này có một vài nguy cơ giống kính tiếp xúc truyền thống như kích thích, trầy xước, viêm nhiễm… Tuy nhiên với sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ và sự tuân thủ nghiêm túc của bệnh nhân trong vệ sinh, lịch tái khám thì những nguy cơ này là rất thấp. Hơn nữa chất liệu của kính là Hydrogel, có tính thấm khí cao, đảm bảo cung cấp đủ oxy, yếu tố quyết định cho sự khỏe mạnh của giác mạc.
Bác sĩ Hải Yến cho biết thêm, chi phí kính, công lắp đặt trong một năm đầu đeo 12-17 triệu đồng cho 2 mắt tùy cơ sở và loại kính. Những kính có độ loạn cao, phải đặt riêng chi phí sẽ cao hơn. Thông thường sau mỗi 12 tháng bệnh nhân cần thay cặp kính mới, chi phí thường thấp hơn lần đầu. Về tổng thể thì chi phí khá cao vì phải mua kính mới hàng năm, chưa kể nếu bệnh nhân không cẩn thận có thể bị mất, nứt, vỡ kính.
Lê Phương