Sau khi người bạn đời Laura ra đi ở tuổi 34 do hen suyễn, nhà văn Peter DeMarco đã viết một lá thư cảm ơn đến nhân viên Bệnh viện CHA Cambridge nơi chăm sóc vợ anh đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Dưới đây là bản dịch những tâm sự đầy xúc động của Peter từ bài đăng của tờ New York Times.
“7 ngày trước, tôi bắt đầu kể cho bạn bè cùng gia đình về việc các bạn đã chăm sóc vợ tôi, Laura Levis, vào những ngày cuối đời của cô ấy như thế nào. Tất cả ngưng lại khi tôi kể ra 15 cái tên bao gồm các bác sĩ, y tá, chuyên gia hô hấp, nhân viên xã hội cùng nhân viên dọn vệ sinh đã ở cạnh cô ấy.
‘Làm sao anh nhớ tên của những người đó?’, họ hỏi.
Tôi liền trả lời: ‘Sao không nhớ được chứ’.
Mỗi người trong số các bạn đều chăm nom Laura với sự chuyên nghiệp, lòng tốt và sự tử tế. Lúc cô ấy cần tiêm, các bạn đã xin lỗi vì gây đau đớn một chút dù không biết liệu vợ tôi có nghe thấy không. Lúc lắng nghe trái tim cùng lá phổi cô ấy qua ống nghe và thấy chiếc áo choàng trượt khỏi cơ thể, các bạn đã kéo lên, che kín cho Laura một cách đầy tôn trọng. Lúc căn phòng chuyển lạnh, các bạn nhanh chóng đắp chăn để cô ấy ngủ ngon hơn một chút chứ không đơn thuần để điều chỉnh thân nhiệt.
Các bạn đã lo lắng cho cả bố mẹ Laura, giúp họ bước lên bậc thang, cứ cách một tiếng lại lấy nước cho họ và trả lời mọi câu hỏi với sự kiên nhẫn đáng kinh ngạc. Bố vợ tôi, vốn là một bác sĩ, hạnh phúc vô bờ khi được cùng tham gia chăm sóc con gái.
Rồi, các bạn lo cho cả tôi nữa. Làm thế nào tôi tìm được sức mạnh vượt qua cái tuần đau buồn ấy nếu không có các bạn?
Vợ chồng Peter. Ảnh: Nhân vật chia sẻ. |
Không biết bao nhiêu lần, các bạn bước vào phòng và thấy tôi đang nức nở, gục đầu, nắm lấy bàn tay vợ. Các bạn chỉ lặng lẽ làm việc của mình rồi bước ra như thể vô hình. Không biết bao nhiêu lần, các bạn sắp xếp lại đám dây điện cùng ống dẫn xung quanh giường để tôi được gần vợ hơn một chút.
Không biết bao nhiêu lần, các bạn kiểm tra xem tôi cần gì không, từ thức ăn đến thức uống, từ quần áo sạch đến nước tắm nóng, từ quy trình y tế đến những lời trò chuyện giản đơn.
Không biết bao nhiêu lần, các bạn đã ôm và an ủi khi tôi như vỡ ra từng mảnh, hỏi về cuộc sống cũng như con người trước đây của Laura hoặc dành thời gian ngắm ảnh rồi đọc những gì tôi viết cho cô ấy. Không biết bao nhiêu lần, các bạn phải thông báo tin xấu với lời lẽ hiền từ cùng đôi mắt đượm buồn.
Có lần tôi lẻn mang chú mèo Cola vào viện để nó thơm lên mặt Laura lần cuối, các bạn đã vờ như không thấy. Và trong một buổi tối đặc biệt, các bạn cho phép tôi toàn quyền quản lý phòng hồi sức cấp cứu để mời đến hơn 50 người thân của Laura gồm bạn bè, đồng nghiệp, gia đình. Giữa tiếng guitar, opera và những điệu nhảy tràn ngập, tôi nhận ra vợ mình đã chạm tới tâm hồn người khác như thế nào. Đó là đêm cuối cùng giữa chúng tôi. Nó sẽ không thể xảy ra nếu không có sự ủng hộ của các bạn.
Còn một khoảnh khắc, một giờ đồng hồ tôi không bao giờ quên.
Trước lúc Laura được đưa đi phẫu thuật để hiến tạng, tất cả những gì tôi muốn là ở một mình với cô ấy. Thế nhưng, gia đình cùng bạn bè cứ đến nói lời chia tay. Thời gian lẳng lặng trôi đi. Đến 4h chiều, họ mới đi hết. Tôi kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Quá buồn ngủ, tôi nhờ 2 y tá Donna và Jen thu xếp một chiếc ghế tựa bên cạnh Laura. Thế nhưng, họ nảy ra ý tưởng tuyệt vời hơn nhiều.
Các y tá đề nghị tôi rời khỏi phòng một lát. Khi tôi trở lại, họ đã chuyển Laura về bên phải giường, để chừa một khoảng trống vừa đủ để tôi có thể nằm cùng cô ấy lần cuối cùng. Tôi hỏi liệu chúng tôi có thể xin một tiếng đồng hồ không bị làm phiền được không. Họ gật đầu, kéo rèm, đóng cửa và tắt đèn.
Tôi nằm sát Laura. Cô ấy trông mới đẹp làm sao. Tôi vừa nói vậy vừa đưa tay vuốt ve khuôn mặt cùng mái tóc vợ. Tôi kéo chiếc váy xuống một chút, hôn lên bờ ngực, áp đầu vào đó để cảm nhận từng hơi thở và tiếng tim đập. Khoảnh khắc cuối cùng của vợ chồng tôi tự nhiên, tinh khiết, dịu dàng hơn bất cứ điều gì. Cứ như vậy, tôi ngủ thiếp đi.
Tôi sẽ nhớ mãi giây phút cuối cùng ấy. Đó là món quà vượt lên tất cả. Xin cảm ơn Donna và Jen.
Thực sự, tôi xin cảm ơn các bạn với tất cả tình yêu và tấm lòng“.
Minh Nguyên