Trầm cảm sau sinh là rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến cả phụ nữ mới làm mẹ, đã sinh nở nhiều lần hay nhận con nuôi. Khi mắc bệnh, người mẹ không kiểm soát được cảm xúc nên thường khóc không rõ nguyên nhân và lên cơn hoảng sợ. Họ gặp khó khăn trong việc chăm sóc đứa trẻ, khó chịu bực bội vì sự có mặt của con, sợ làm con đau hoặc oán giận cả gia đình rồi lại thấy tội lỗi vì chính những cảm xúc tiêu cực ấy.
Theo thạc sĩ tâm lý Ngô Thị Thu Huyền, Trung tâm Toán Tư duy và Kỹ năng xã hội IXL, trầm cảm sau sinh thường được chẩn đoán muộn khi người mẹ đã chịu đựng trầm uất tinh thần nặng nề. Họ phán xét chính mình về tình trạng đang trải qua, không biết tại sao lại cảm thấy bất lực vào giai đoạn mà đáng lẽ phải hạnh phúc với con. Sợ bị phê bình, người mẹ càng che giấu, khong dám chia sẻ với ai.
Hiện nay, không loại văcxin nào có thể phòng ngừa trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, thạc sĩ Huyền cho biết không phải vì thế mà người mẹ cùng gia đình hoàn toàn bất lực. Để hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh, nên chuẩn bị kế hoạch sinh nở, chăm sóc con kỹ lưỡng từ trước ngày lâm bồn. Dù không chắc chắn sẽ xóa bỏ tận cùng nguy cơ, điều này giảm tác động tàn phá của trầm cảm sau sinh và giúp chị em nhanh chóng vượt qua.
Bên cạnh đó, bà Huyền đưa ra một số lời khuyên cho các bà mẹ:
– Không cô lập bản thân, hãy nói cho xung quanh biết về tình huống của mình.
– Khám bác sĩ hay một nhà chuyên môn về sức khỏe mà bạn tin cậy.
– Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh.
– Thiết lập các mạng lưới hỗ trợ ngay khi dự định mang bầu và đón nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài.
– Hiểu về sự thay đổi cảm xúc thai kỳ, chấp nhận sự có mặt của chứng trầm cảm sau sinh.
– Không tự tạo áp lực, chấp nhận bản thân không phải là người mẹ hoàn hảo.
– Tận dụng lúc con ngủ để nghỉ ngơi, hồi sức.
Ảnh: solusisehatku.com. |
Chung ý kiến bà Huyền, ông Phạm Lê Hoàng Minh, thạc sĩ tâm lý, điều phối dự án Viet Psychotherapy khẳng định trầm cảm sau sinh hoàn toàn phòng ngừa được nếu có sự tham gia của cả người mẹ lẫn gia đình mà đặc biệt là chồng.
Về phía người mẹ, cần để ý quan tâm chăm sóc bản thân, tìm lại thú vui sở thích trước đây, học cách nhận diện và nói ra trạng thái cảm xúc. Không nên lúc nào cũng dính với con mà dành thời gian riêng cho bản thân mình.
Về phía người chồng, nên chủ động chia sẻ cảm xúc, trò chuyện riêng với vợ. Lưu ý hạn chế khuyên bảo vì phụ nữ cần được yêu hơn là được hiểu, cần được lắng nghe hơn là tìm giải pháp. Bên cạnh đó, hai vợ chồng cùng san sẻ trách nhiệm chăm sóc con.
Nếu nghi ngờ trầm cảm sau sinh, người vợ hoặc người chồng không nên chần chừ mà hãy nhanh chóng nhờ tới sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý. Các phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh bao gồm trị liệu tâm lý, mạng lưới hỗ trợ xã hội, trợ giúp gia đình và thuốc chống trầm cảm. Trị liệu tâm lý được xem là lựa chọn ưu tiên đối với những người phụ nữ muốn tránh việc sử dụng thuốc trong thời gian cho con bú.