Home » Khỏe và đẹp » Làm gì khi quanh nhà có ổ dịch Zika?

Làm gì khi quanh nhà có ổ dịch Zika?

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông báo không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực quanh vùng dịch và địa phương, song khuyến cáo người đang sinh sống ở vùng có dịch hoặc đến/về từ vùng dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. TP HCM hiện có 30 bệnh viện, cơ sở y tế xét nghiệm miễn phí virus Zika. 

Người từ vùng dịch về nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ/bạn tình trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền virus Zika qua đường tình dục. Trì hoãn hiến máu tối thiểu 28 ngày đối với trường hợp đã được xác định nhiễm virus hoặc xuất hiện triệu chứng sốt, nổi ban, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt. Tăng cường tìm diệt loăng quăng tại nơi sinh sống và nơi làm việc, phòng chống muỗi đốt.

Khoảng 20% người nhiễm virus Zika có biểu hiện lâm sàng, hầu hết đều nhẹ và tự qua khỏi. Bệnh nguy hiểm với thai phụ, nếu nhiễm virus trong ba tháng đầu thai kỳ 10% trường hợp có thể dẫn đến dị tật đầu nhỏ ở thai nhi. Bộ Y tế đặc biệt khuyến cáo các bà mẹ nâng cao ý thức khám thai định kỳ. Phụ nữ dự định có thai, đang có thai đi đến vùng dịch thì phải thực hiện các biện pháp phòng chống, khi về nước có triệu chứng bệnh phải đến cơ sở y tế thăm khám ngay. 

Vãng gia truyền thông và điều tra cộng đồng tại ổ dịch do virus Zika quận 9. Ảnh: D.P

Truyền thông tận nhà và điều tra cộng đồng tại ổ dịch do virus Zika quận 9, TP HCM. Ảnh: D.P

Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi ca bệnh Zika được xem như một ổ dịch và phạm vi xử lý là khu vực trong bán kính 200 m từ nhà bệnh nhânBác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết việc xử lý ổ dịch được khởi động ngay sau khi có thông tin về ca bệnh. Nhân viên y tế dự phòng tiếp cận bệnh nhân để xét nghiệm, tư vấn trực tiếp và hướng dẫn phòng bệnh cho gia đình. 

Các hộ gia đình trong phạm vi bán kính 200 m từ nhà bệnh nhân được giám sát, điều tra tình hình bệnh trong vòng một tháng. Nếu trong khu vực tiếp tục phát hiện các ca bệnh mới thì thời gian giám sát này có thể kéo dài hơn. Thai phụ trong phạm vi ổ dịch được lập danh sách để theo dõi sức khỏe và diễn tiến thai kỳ.   

Ngành y tế tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch 2 lần cách nhau 7-10 ngày. Việc phun hoá chất diệt muỗi tại ổ dịch nhằm giảm nhanh số muỗi truyền bệnh, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng. 

Trung tâm Y tế dự phòng quận 5 phun hoá chất diệt muỗi xử lý ổ dịch do virus Zika. Ảnh: D.P

Trung tâm Y tế dự phòng quận 5 phun hoá chất diệt muỗi xử lý ổ dịch do virus Zika. Ảnh: D.P

Việt Nam ghi nhận có 9 bệnh nhân Zika, tập trung chủ yếu ở TP HCM với 5 trường hợp. Ngày 14/10, Đăk Lăk phát hiện một em bé 4 tháng tuổi bị dị tật đầu nhỏ nghi do virus Zika, bởi trong thai kỳ mẹ bé có hai lần bị sốt và phát ban. Mẫu bệnh phẩm của bé đang được gửi sang Nhật để kiểm tra. Ngày 21/10, một bé 4 tuổi và một bé 7 tuổi ở Đăk Lăk ghi nhận mắc chứng đầu nhỏ song loại trừ nguyên nhân virus Zika.

Lê Phương