Cách đây 7 năm, nữ sinh Cao Thị Tùng bị tai nạn lao động khi làm thêm ở xưởng nhựa tại TP HCM, bàn tay bên trái bị dập nát, đứt lìa. Các bác sĩ đã phẫu thuật ghép nối giữ lại được 3 ngón tay, song do tổn thương quá nặng nên không còn chức năng vận động, cầm nắm. Sau tai nạn, cô gái tiếp tục làm thêm và hoàn thành việc học ngành kế toán.
Ra trường, cô gái quê miền Trung 26 tuổi nhiều lần tủi khóc vì không xin được việc do khiếm khuyết mất ngón ở bàn tay trái. “Em thuận tay phải nên có thể gõ máy tính, làm hầu hết mọi việc, tuy nhiên các công ty không muốn nhận người khuyết tật như em”, Tùng chia sẻ.
Phim chụp bàn tay của Tùng trước khi ghép nối. Ảnh: T.P |
Bác sĩ Nguyễn Cao Viễn, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết bệnh nhân đến viện gặp bác sĩ bày tỏ mong muốn được chuyển hai ngón chân lên bàn tay để tay đủ 5 ngón và phục hồi vận động các ngón còn lại. Bàn tay cô gái đã mất hết chức năng, hệ thống gân duỗi và gân gập, thần kinh đã hỏng nên các ngón cứng, liệt không cử động bình thường được.
Sau 12 giờ vi phẫu ghép ngón, cuộc mổ thành công đảm bảo các ngón tay mới được tưới máu tốt. Thông thường mỗi ca phẫu thuật mất khoảng 6-8 giờ, trường hợp này ghép cả hai ngón, mạch máu biến dạng nhiều nên kéo dài gần gấp đôi thời gian. “Việc chuyển cùng lúc hai ngón phức tạp hơn vì đòi hỏi động mạch phải thông nhau, nối cả hai gân và 4 sợi thần kinh”, bác sĩ Viễn chia sẻ.
Ngón chân bệnh nhân hiện sống tốt trên bàn tay với vai trò mới. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được phẫu thuật chuyển vạt da và phục hồi các ngón khác để đưa bàn tay trở lại hoạt động cầm nắm bình thường. Theo bác sĩ Viễn, những bệnh nhân từng ghép nối bàn tay sau đó không phục hồi chức năng có thể thực hiện vi phẫu chuyển gân cơ, thần kinh để cải thiện.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết kỹ thuật chuyển ngón chân thành ngón tay được triển khai tại bệnh viện từ 3 năm nay. Tỷ lệ thương tật mất ngón tay, bàn tay ở Việt Nam khá nhiều nên kỹ thuật này mở ra hy vọng cho những bệnh nhân mong muốn tái tạo các ngón tay, đảm bảo về mặt thẩm mỹ và chức năng.
Còn phải trải qua 2 lần mổ nữa và quá trình tập luyện kiên trì, chi tiêu phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của em gái, song niềm tin đã trở lại với cô gái mồ côi bố từ năm 3 tuổi. “Có người hỏi nếu chẳng may bàn tay gặp nạn ở bên phải, em sẽ như thế nào”, Tùng cười. “Khi đó thì em sẽ tập luyện để tay trái thay thế đảm đương mọi việc, gian nan nào cũng phải nỗ lực thích nghi để vượt qua”, cô gái nhỏ nhắn chia sẻ.