Tiến sĩ David Goodall, nhà khoa học già nhất Australia, đã tự kết thúc cuộc đời tại Basel (Thụy Sĩ). Ông ra đi bên cạnh gia đình trong giai điệu bản Giao hưởng số 9 của Beethoven, tác phẩm thể hiện hy vọng về tự do.
Trước đó, tối 9/5, tiến sĩ Goodall thưởng thức bữa tối yêu thích bao gồm cá, khoai tây và bánh pho mát. Sáng 10/5, ông ăn nhẹ với tâm trạng “phấn khởi” rồi đi đến căn phòng nơi cái chết đang chờ đợi.
Tiến sĩ Goodall nở nụ cười trong buổi họp báo cuối cùng hôm 9/5. Ảnh: AFP. |
Kể lại với The Guardian, gia đình tiến sĩ Goodall cho biết khi hoàn thành các giấy tờ cần thiết, nhà khoa học 104 tuổi hỏi với giọng bực bội: “Chúng ta còn chờ cái gì nữa?”.
Để ra đi êm ái, tiến sĩ Goodall trả lời các câu hỏi như ông là ai, ông đang ở đâu và chuẩn bị làm gì rồi tự mở van cho dung dịch thuốc độc truyền vào cơ thể qua ống tiêm đặt nơi cánh tay. “Tiến sĩ trả lời cực kỳ rõ ràng”, bác sĩ Philip Nitschke, nhà sáng lập tổ chức Exit trợ tử Goodall nói.
Trong căn phòng nhỏ, Giao hưởng số 9 của Beethoven vang lên. Vài phút sau khi bản nhạc kết thúc, tiến sĩ Goodall trút hơi thở cuối cùng. Lúc sắp lìa đời, ông trăn trối: “Tôi đã chờ đợi quá lâu rồi”.
Sinh ngày 4/4/1914 tại London (Anh), tiến sĩ David Goodall là nhà thực vật học và sinh thái học nổi tiếng thế giới. Ông từng giữ các vị trí quan trọng ở Anh, Mỹ, Australia. Sau khi nghỉ hưu năm 1979, tiến sĩ Goodall vẫn tiếp tục làm việc đến 103 tuổi và nhận biên tập bộ sách 30 cuốn mang tên Hệ sinh thái Thế giới của 500 tác giả. Năm 2016, ông được trao tặng huân chương Order of Australia.
Tròn 104 tuổi, tiến sĩ Goodall công khai nguyện vọng muốn chết dù vẫn còn khỏe mạnh. Trên thực tế, dù không mắc căn bệnh mạn tính nào, thể chất ông đi xuống rõ rệt. Tiến sĩ gần như mù và mất tự do trong cuộc sống.
Dành hơn 20 năm vận động cho quyền được chết, tiến sĩ Goodall tin rằng con người phải được tự mình quyết định số phận sau tuổi trung niên. Do luật pháp Australia chưa chấp thuận, ông lên đường đến Thụy Sĩ để thực hiện mong muốn. Tại đây, hai bác sĩ xác nhận nhà khoa học hoàn toàn minh mẫn, đủ điều kiện tiến hành cái chết êm ái.
“Những gì tôi muốn là các nước khác hãy theo gương Thụy Sĩ và cho mọi công dân quyền chết nếu họ đạt đủ tiêu chuẩn. Và tiêu chuẩn này không phải tuổi tác mà là năng lực tinh thần”, tiến sĩ Goodall nhắn nhủ.
Trước khi qua đời, tiến sĩ Goodall chủ động đề nghị được hiến xác cho y học. Trong trường hợp không thể, ông muốn hỏa táng và để tro lại Thụy Sĩ. Nhà khoa học không muốn tổ chức đám tang, lễ tưởng niệm hay bất cứ nghi lễ nào vì “không tin vào thế giới bên kia”.