Trong điều trị các bệnh về tim, có 2 phương pháp chính là nội khoa (dùng thuốc) và ngoại khoa (phẫu thuật). Trường hợp bệnh tim liên quan đến sai lệch cấu trúc thực thể thường cần phẫu thuật để sửa chữa. Đường mổ kinh điển trong phẫu thuật tim là chẻ dọc xương ức để tiếp cận với các cấu trúc bên trong như van tim, thành tim nhằm sửa chữa những khiếm khuyết hay bệnh lý tại đó. Tuy vậy, đường mổ này có nhược điểm là khiến bệnh nhân đau nhiều và mất máu nhiều, thời gian nằm hồi sức và thở máy lâu nên tăng thời gian nằm viện. Biến chứng nguy hiểm hơn là nhiễm trùng xương ức rất nguy hiểm.
Phẫu thuật nội soi tim
Theo bác sĩ Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Phó Giám Đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khoảng 2 thập kỷ trở lại đây sự phát triển của chuyên ngành gây mê hồi sức và hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể đã giúp việc phẫu thuật tim trở nên đơn giản hơn theo hướng giảm dần xâm lấn mà vẫn đảm bảo hiệu quả chữa trị. Số lượng trung tâm áp dụng kỹ thuật này và tỷ lệ người bệnh tim được mổ nội soi không ngừng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam.
Ở nước ta, một số nơi ở miền Bắc đã triển khai mổ tim nội soi từ năm 2014 như Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E và Việt Đức (Hà Nội). Tại miền Nam có Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM áp dụng phẫu thuật nội soi thường quy từ tháng 8/2014, đến nay đã mổ cho hơn 200 bệnh nhân với kết quả tốt, tỷ lệ tử vong dưới 1%, tỷ lệ tai biến và biến chứng dưới 5%. Một số bệnh viện có chuyên khoa tim cũng đang triển khai phương pháp này.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, cho biết phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn có thể điều trị được hầu hết bệnh tim mạch mà phẫu thuật tim hở qua đường mở ngực giữa xương ức có thể thực hiện được. Trong đó nổi bật là phẫu thuật van tim như van 2 lá, van động mạch chủ; Bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, liên thất, còn ống động mạch; Điều trị hẹp động mạch vành…
Phẫu thuật nội soi có ưu điểm là giúp bệnh nhân ít đau hơn, giảm chảy máu và truyền máu, giảm thời gian thở máy và nằm hồi sức, tính thẩm mỹ cao, rút ngắn thời gian nằm viện, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên kỹ thuật này không áp dụng cho trẻ em có trọng lượng cơ thể dưới 20 kg, người từng xạ trị vùng ngực, suy tim nặng, bệnh lý tim mạch phức tạp.