Home » Khỏe và đẹp » Mỗi cặp vợ chồng được khuyến khích sinh đủ 2 con

Mỗi cặp vợ chồng được khuyến khích sinh đủ 2 con

Tham gia buổi “Phỏng vấn trực tuyến về thách thức với dân số Việt Nam” diễn ra sáng nay trên VnExpress, các chuyên gia đã làm rõ nhiều vấn đề về nghị quyết dân số mới.

Nghị quyết vừa ban hành khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con. Nhà nước sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các hệ lụy khi chỉ sinh 1 con và việc cần thiết sinh đủ 2 con. Các chuyên gia đề xuất, cần có chính sách phát triển hệ thống dịch vụ gia đình (nhà trẻ, người giúp việc…) và hỗ trợ cặp vợ chồng sinh con (tài chính, ngày nghỉ, giờ làm linh hoạt…).

Theo Thạc sĩ Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng, Nghị quyết số 4 Ban chấp hành Trung ương khóa VII cách đây 25 năm không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nhiều vấn đề dân số còn tồn đọng như: mất cân bằng giới tính khi sinh; tầm vóc và thể lực chậm cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao; quản lý di cư và nhập cư bất cập…

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho biết thêm, trọng tâm dân số kế hoạch hóa gia đình (mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con) của nghị quyết cũ nay sẽ chuyển sang dân số phát triển trong nghị quyết mới. Ưu tiên hàng đầu là giải quyết toàn diện các thách thức: già hóa dân số; mất cân bằng giới tính khi sinh; khai thác lợi thế của cơ cấu dân số vàng; phân bổ lại dân cư; nâng cao tầm vóc và tuổi thọ con người…

Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:

Chính sách sinh con hiện nay

– Thưa ông Đình Anh, vì sao lại phải ban hành nghị quyết dân số mới? Nghị quyết này có điểm gì khác biệt với nghị quyết cũ? (Hạnh Lê, 35 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng (Bộ Y tế):

Việc ban hành Nghị quyết Trung ương mới nhằm đáp ứng thực tiễn hiện nay, bởi Nghị quyết số 4 ban chấp hành Trung ương khóa VII đã được ban hành cách đây 25 năm có nhiều mục tiêu, nội dung và giải pháp không phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Ví dụ, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; tầm vóc và thể lực chậm cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao; quản lý di cư, nhập cư còn bất cập, đặc biệt các các khu vực kinh tế phát triển… Mặc dù chúng ta đạt được các kết quả như giảm sinh, nhưng các vấn đề liên quan đến dân số phát triển chưa được quan tâm. Chính vì thế, cấp thiết phải ban hành nghị quyết dân số mới với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mới.

Điểm khác biệt lớn nhất của nghị quyết mới là chuyển trọng tâm dân số kế hoạch hóa gia đình, sang dân số phát triển. Cụ thể, trước đây, trọng tâm là chính sách giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con. Còn nay, vấn đề dân số được quan tâm toàn diện hơn, bao gồm quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân cư; tầm vóc thể lực con người; phát triển đồng bộ dân số với kinh tế, xã hội, môi trường… 

– Tỷ lệ sinh hiện nay là bao nhiêu? Nghị quyết mới khuyến khích nên sinh bao nhiêu con? (Phương Thu, 39 tuổi, Thái Bình)

– Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em:

Năm 2016, tỷ lệ sinh là 16 phần nghìn. Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của phụ nữ) là 2,1 con trên một phụ nữ. Đây là năm thứ 11, Việt Nam duy trì được chỉ tiêu này. Nghị quyết mới đề ra mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh hiện nay.

moi-cap-vo-chong-duoc-khuyen-khich-sinh-du-2-con
Nhiều câu hỏi về vấn đề dân số già được gửi tới hai chuyên gia chương trình.

– Với chính sách dân số mới này, người dân hiểu là sinh con thoải mái đúng không, thưa ông Đình Anh? Tôi thấy nhóm Đảng viên hiện vẫn còn hình thức phạt nếu sinh con thứ 3. Vậy chính sách mới có bỏ không? (Nguyễn Thị Anh Thư, 35 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Anh:

Chào bạn, chính sách dân số mới vẫn quy định mỗi cặp vợ chồng sinh 1 hoặc 2 con. Đảng viên và công chức Nhà nước vẫn thực hiện theo các quy định pháp luật về chính sách dân số.

– Xin cho hỏi các khu vực vào cần duy trì chính sách sinh như hiện nay, khu vực nào khuyến sinh thêm? (Hải Phước, 42 tuổi, Bình Phước)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Đặc điểm mức sinh của nước ta hiện nay là đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) nhưng không đồng đều. Chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê, năm 2016 vẫn còn những địa phương có mức sinh khá cao, như: Hà Tĩnh 3, 21 con/phụ nữ; Quảng Trị 3,19 con/phụ nữ… thì cần tiếp tục vận động kế hoạch hóa gia đình để giảm sinh; Hà Nội,… đã đạt mức sinh thay thế (2,06 con/phụ nữ) thì cần duy trì mức sinh này, còn một số địa phương mức sinh quá thấp như TP HCM là  1,24 con/phụ nữ; Hậu Giang 1,48; Long An 1,56… thì cần khuyến khích sinh đủ 2 con.

– Năm 1960 dân số Việt Nam 30,2 triệu người. Năm 2017 dân số Việt Nam khoảng 93,4 triệu người. Tăng sinh thì giải quyết vấn đề nhà ở, quỹ đất cho dân số thế nào? (lưu bình, 47 tuổi, Hải Dương)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Nếu so sánh đồng thời cả quy mô và mật độ dân số thì nước ta có quy mô và mật độ dân số chỉ thấp hơn có 4 nước (Ấn Độ, Nhật Bản, Bangladesh và Philippines). Điều đó cho thấy tình trạng “đất chật người đông” thật nghiêm trọng.

Khi quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao thì tiết kiệm đất đai, sử dụng đất đai hiệu quả phải là quốc sách. Đối với nhà ở cần nâng cao một cách hợp lý số tầng bình quân một ngôi nhà. Đối với đất đai canh tác phải nâng cao năng suất cây trồng.

moi-cap-vo-chong-duoc-khuyen-khich-sinh-du-2-con-1
Bác sĩ Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế và

– Trong 25 năm qua, Việt Nam đã hạn chế, tránh sinh hơn 27 triệu người. Vậy tại sao giờ lại khuyến khích sinh thêm? (Minh Hòa, 39 tuổi, Bắc Giang)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Cần chú ý rằng chỉ khuyến khích sinh đủ 2 con ở những địa phương có mức sinh quá thấp. Nếu tình trạng mức sinh thấp lan rộng, xét trên bình diện xã hội, sẽ dẫn đến quy mô dân số giảm, già hóa dân số và thiếu hụt lao động. Nhiều cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, đường sá… sẽ ít người sử dụng, gây lãng phí. Trong gia đình ít con, chẳng hạn, 1 con cũng sinh nhiều hệ lụy: cha mẹ tâm lý căng thẳng, con cái có thể được chiều chuộng quá mức, nảy sinh tâm lý ích kỷ. Khi con cái lớn lên thì việc chăm sóc ông bà, cha mẹ già cũng trở thành gánh nặng lớn. 

– Chính sách nâng cao sức khỏe dân số đặt mục tiêu tăng chiều cao, tuổi thọ, sức khỏe sẽ thế nào? Cụ thể sẽ làm gì để đạt được chỉ tiêu đó? (Đức Giang, 34 tuổi, Thanh Hóa)

– Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Anh:

Hiện nay, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam còn thấp (xếp hạng 116 trong số 188 nước); tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện (hơn 30 năm qua, chiều cao của nam chỉ tăng 4,4 cm và nữ tăng 3,4 cm, thuộc số các nước có chiều cao thấp nhất thế giới)… Vì thế, cần những giải pháp cụ thể đưa chỉ số HDI vào nhóm bốn nước hàng đầu Đông Nam Á; phát triển chiều cao của nam nữ thanh niên Việt Nam.

Các gia đình ở vùng xâu vùng xa, điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng thấp, song còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước (chênh lệch gần 10 năm). Cho nên cần tăng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh; tăng tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nhất là ở một số dân tộc thiểu số.

Để cải thiện chiều cao, cân nặng, tuổi thọ, sức khỏe, cần sự chung tay của các cấp ngành và toàn thể xã hội. Cụ thể, cần có các chiến lược về dinh dưỡng, luyện tập, quản lý sức khỏe… từ khi mang thai cho đến khi tuổi già.

– Thưa ông Nguyễn Đình Cử, cơ cấu dân số vàng có lợi gì cho kinh tế, xã hội Việt Nam? (Phạm Công Bách, 42 tuổi, Hà Nội)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Giai đoạn cơ cấu dân số vàng mang lại rất nhiều cơ hội cho phát triển nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế.

Trước hết, trong giai đoạn này, tỷ lệ trẻ em thấp và số lượng trẻ em giảm xuống tạo điều kiện phòng chống suy dinh dưỡng và giáo dục tốt hơn cho cả trẻ em trai và trẻ em gái.

Sau nữa, tỷ lệ lao động cao tạo ra lực lượng lao động dồi dào. Năm 2016, cả nước có gần 93 triệu dân. Nếu tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao đông, như  năm 1979 tức là 53% thì số lao động chỉ là 49 triệu, tỷ lệ thực tế là 68,2% và số người trong độ tuổi lao động là 63,5 triệu, tức là dư lợi khoảng 14,5 triệu lao động so với cơ cấu dân số năm 1979. Điều này góp phần làm tăng trưởng kinh tế cao.

Tuy nhiên ở nước ta, cơ cấu dân số vàng song hành với quá trình già hóa nhưng hiện nay tỷ lệ người cao tuổi cũng chưa thật cao, mới chỉ bằng 1/3 tỷ lệ người cao tuổi của Nhật Bản. 

moi-cap-vo-chong-duoc-khuyen-khich-sinh-du-2-con-2
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân..

Sức khỏe dân số

– Trẻ em thành phố có điều kiện chăm sóc và dinh dưỡng tốt, nên chiều cao tăng hơn trẻ em vùng nông thôn và vùng cao. Vậy Nhà nước có chính sách gì để cải thiện chiều cao chung cả Việt Nam? (Phạm Minh Đức, 34 tuổi, Bắc Ninh)

– Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Anh:

Nhà nước đã có các chương trình ưu tiên cho khu vực nông thôn và vùng cao, đặc biệt hướng đến đối tượng trẻ em. Cụ thể, chính sách khám thai định kỳ theo bảo hiểm y tế; chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí phòng các bệnh lây nhiễm nguy hiểm thường gặp; chương trình sữa học đường cho trẻ tiểu học vùng sâu vùng xa; chương trình bữa ăn học đường cho trẻ nội và bán trú; giáo dục thể chất trong nhà trường… 

Trong giai đoạn mới, Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp với từng vùng miền và đối tượng, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội.

– Đảng viên nay sinh 3-4 con thì có bị phạt hoặc khai trừ khỏi Đảng không, thưa ông? (Thu Bình, 35 tuổi, Hà Nội)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Theo Quy định 181/2013/QĐ-TW ngày 30/3/2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, thì đảng viên sinh 3 con bị khiển trách; 4 con bị cảnh cáo; 5 con bị khai trừ khỏi Đảng. Tuy nhiên, Nghị quyết mới về dân số yêu cầu rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ các hình thức xử lý kỷ luật với những vi phạm về dân số kế hoạch hóa gia đình. Vì vậy, có thể hy vọng trong tương lai gần quy định 181 trên sẽ được điều chỉnh. Tại thời điểm này, quy định trên vẫn còn hiệu lực. 

– Nhà tôi cũng muốn sinh nhiều nhưng không đủ điều kiện kinh tế nuôi con. Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì cho các gia đình nếu sinh nhiều con? (Nguyễn Như Lan, 29 tuổi, Vĩnh Phúc)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Nếu gia đình bạn “không đủ điều kiện kinh tế nuôi con” thì tôi khuyên bạn không nên “sinh nhiều”. Vì nhà nước nào cũng không thế thay bạn nuôi, dạy con. Hiện nay chưa có chính sách trực tiếp khuyến khích sinh đẻ nhiều. Có thể chỉ phát triển dịch vụ nhằm hỗ trợ các gia đình trẻ, làm nhẹ những khó khăn vất vả của gia đình khi sinh con nhưng để sử dụng dịch vụ vẫn phải trả tiền.

– Với chính sách mới, dự kiến Việt Nam duy trì được dân số vàng bao lâu? (Minh Thư, 27 tuổi, Lạng Sơn)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Dự báo theo phương án trung bình của của Tổng cục Thống kê, Việt Nam duy trì được thời kỳ cơ cấu dân số vàng đến năm 2040. Do tỷ lệ người cao tuổi tăng dần nên cơ cấu dân số vàng kết thúc và không bao giờ trở lại.

– Chuyên gia có lời khuyên nào để cải thiện sức khỏe cộng đồng? (Long, 34 tuổi, Quảng Ninh)

– Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Anh:

Để cải thiện sức khỏe cộng đồng, mỗi cá nhân cần thay đổi lối sống, vận động, dinh dưỡng lành mạnh. Việt Nam đang tiêu thụ gần 3,8 tỷ lít bia và 65 triệu lít rượu (số liệu năm 2016), vì vậy, cần hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích gây hại sức khỏe.

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới. Vì vậy, cần tăng cường luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày để cải thiện sức bền, thể trạng, tầm vóc.

Về dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu vi chất của người Việt còn cao. Tỷ lệ thiếu máu trung bình ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, tỷ lệ này ở khu vực miền núi là 31,2%, nông thôn là 28,4% và ở thành thị là 22,2%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%. Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi rất cao, lên tới 69,4%, đặc biệt cao ở khu vực miền núi (80,8%), nông thôn (71,6%); ở thành thị thấp hơn, nhưng vẫn lên tới 49,7%… Do đó, cần cải thiện chất lượng và khẩu phần bữa ăn, đặc biệt quan tâm tới các vi chất thường thiếu hụt.

Người Việt chết vì ung thư nhiều gấp 9 lần do tai nạn giao thông. Mỗi ngày có 257 người Việt chết vì bệnh ung thư. Việt Nam cũng xếp thứ hạng cao trên thế giới về các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp… Do đó, cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí giảm, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu.

moi-cap-vo-chong-duoc-khuyen-khich-sinh-du-2-con-3
Chuyên gia Nguyễn Đình Anh và Nguyễn Đình Cử giải đáp các thắc mắc của độc giả về vấn đề dân số Việt Nam.

Tình trạng già hóa dân số

– Dân số già hóa, liệu có tăng tuổi về hưu và tạo công ăn việc làm cho người già không? (Minh Hưng, 39 tuổi, Hà Tĩnh)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Nhiều nước trên thế giới để đối phó với tình trạng già hóa dân số, thiếu lao động, người ta đã tăng tuổi về hưu lên 65-67. Tuy nhiên, ở nước ta điều này cần phải nghiên cứu một cách thật kỹ lưỡng. Đảm bảo việc làm cho người cao tuổi có khả năng và còn nhu cầu là việc làm cần thiết nhưng không phải chỉ có một giải pháp là tăng tuổi về hưu. Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và gia đình cần tạo điều kiện làm việc cho cả những người đã nghỉ hưu như thành lập các trung tâm giới thiệu việc làm, đào tạo để chuyển đổi nghề phù hợp với người cao tuổi, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục nhận người về hưu làm việc…

– Tỷ lệ mất cân bằng giới ở Việt Nam có phải do quan niệm và y học phát triển, nên con người đã can thiệp ngay từ đầu để chọn lọc giới tính theo mong muốn đúng không, thưa ông? (Phạm Cường, 25 tuổi, Bình Phước)

– Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Anh:

Hiện có trên 50% tỉnh thành có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng mạnh. Cụ thể, ở những nơi này, tỷ lệ bé trai sinh ra cao hơn nhiều so với số bé gái, có khi tới 148,4 bé trai/100 bé gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc dân số, cấu trúc gia đình…

Nguyên nhân của vấn đề này là do những hệ lụy, tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có con trai nối dõi tông đường của người dân. Bên cạnh đó, khi các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao ngày càng phát triển (siêu âm, thụ tinh ống nghiệm IVF…) thì việc lựa chọn, áp đặt giới tính thai nhi ngày càng cao, gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính nhưng lại chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và răn đe.

Mất cân bằng giới

– Theo tôi nhận thấy, chính sách mỗi gia đình chỉ nên có 2 con là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính như hiện nay. Theo tôi là việc sinh bao nhiêu con là do điệu kiện kinh tế và hoàn cảnh gia đình của người đó quyết định, không nên áp đặt sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng như hiện nay. Nếu không mạnh dạn đổi mới cách nghĩ cách làm thì tình trạng này chắc chắn sẽ không có chuyển biến nào đáng kể. Trong mọi vấn đề về kinh tế xã hội, thì vấn đề con người luôn là nhân tố hàng đầu quyết định mọi vấn đề khác. Mong nhà nước có những chính sách mới phù hợp hơn trong tình hình mới (nguyễn huy, 35 tuổi, 123 Gò Dầu phường Tân Quý quận Tân Phú)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Tôi có thể khẳng định với bạn rằng việc sinh 1-2 con không phải là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Bởi lẽ, ở các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, người ta sinh ít con nhưng không có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ở nước ta các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với đồng bằng Bắc Bộ, nhưng mất cân bằng giới tính khi sinh không nghiêm trọng như đồng bằng Bắc Bộ.

Mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do tàn dư của tư tưởng Nho giáo trọng nam hơn nữ và tình trạng bất bình đẳng giới nói chung. Từ đó dẫn đến lạm dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi. 

Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phát triển kinh tế xã hội; tăng cường cơ sở pháp luật để hạn chế dẫn đến xóa bỏ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. 

– Theo giáo Nguyễn Đình Cử thì nên nới lỏng mức sinh. Giáo sư có nghĩ rằng với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, mỗi năm nước ta tăng thêm gần 1 triệu người. Nếu nới lỏng mức sinh thì dân số còn tăng nhanh hơn nữa, trong khi mật độ dân số đã quá cao. Vậy giáo sư đã tính toán bao giờ thì dân số nước ta sẽ dừng lại và dừng ở con số bao nhiêu? (Nguyễn Đình Giang, 69 tuổi, Khoa Địa lí trường ĐHSP Hà Nội)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Do khoảng 25, 35 năm trước đây Việt Nam sinh nhiều nên hiện nay nhiều người bước vào quá trình sinh sản.Vì vậy, dù mỗi bà mẹ chỉ sinh 1-2 con thì số trẻ em sinh ra hàng năm vẫn đạt khoảng 1,5 triệu. Đó là lý do làm cho dân số tăng gần 1 triệu người mỗi năm. 

Pháp lệnh dân số (sửa đổi, 2008) quy định mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con. Tuy nhiên không có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm.Vì vậy theo tôi pháp lệnh này không có hiệu lực. Hơn nữa, theo các điều tra khảo sát gần đây, người dân Việt Nam đã có mức sinh thực tế, tương tự mức sinh mong muốn. Do vậy, đề nghị nới lỏng quy định mức sinh của tôi nhằm vào bãi bỏ quy định sinh 1 hoặc 2 con.

Khi nới lỏng mức sinh có thể tăng lên đôi chút nhưng sẽ không dẫn đến bùng nổ. Theo tính toán của chúng tôi, quy mô dân số của Việt Nam với phương án cao cũng chỉ đạt tới 108-109 triệu vào giữa thế kỷ. 

– Nếu cán cân giới tính vẫn lệch trai nhiều hơn gái, Tổng cục Dân số sẽ làm gì? (Trọng Khôi, 41 tuổi, Phúc Yên)

– Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Anh:

Việc mất cân bằng giới tính khi sinh gây hệ lụy xấu cho xã hội, cần sự vào cuộc của mỗi người dân, gia đình và cộng đồng. Tổng cục Dân số sẽ phối hợp với các cấp, các ngành, đặc biệt với các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức được nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính khi sinh để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh.

Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi, có các chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Biện pháp khắc phục tình trạng dân số hiện nay

– Tỷ lệ sinh 1,4 trẻ trên một phụ nữ TP HCM tuổi đẻ con, đồng nghĩa tương lai một bé phải “cõng trên vai” 4 người cả ông bà bố mẹ. Dân số già nhiều hơn trẻ, tình trạng già hóa nhanh, già lại nhiều bệnh tật, vậy Bộ Y tế có chính sách bảo hiểm, an sinh xã hội thế nào? (Thu Trang, 31 tuổi, Hà Nội)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Nếu mức sinh thấp như TP HCM kéo dài sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy mà riêng Bộ Y tế không thể giải quyết hết được. 

Mức sinh thấp, tuổi thọ cao sẽ dẫn đến tình trạng xã hội có dân số già một cách trầm trọng đòi hỏi tổng thể nhiều giải pháp. 

Trước hết theo tôi cần vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Thứ hai, cần lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ (sinh 2 con, nuôi dạy con tốt; tích cực học tập lao động, tham gia bảo hiểm xã hội và có tích lũy cho tuổi già, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, không nghiện ngập…). Tất cả những giải pháp này để đến khi tuổi già có thể tự đảm bảo cuộc sống, tự phục vụ, tiếp tục cống hiến cho gia đình và xã hội nếu còn khả năng. Đồng thời Nhà nước và cộng đồng nên phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đảm bảo người cao tuổi dễ tiếp cận với hệ thống này. 

Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp và gia đình cần xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi, đảm bảo các nhu cầu ăn, mặc, học hành, đi lại, vui chơi, giải trí, cung cấp thông tin, việc làm… phù hợp với nhu cầu người cao tuổi. 

Riêng đối với việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, ngành y tế đang chú trọng phát triển hệ thống lão khoa. 

– Tôi thấy nước ta có chính sách cấm tiết lộ giới tính thai nhi, nhưng tôi thấy hầu như bà mẹ nào cũng biết giới tính của con mình từ 3 tháng, thậm chí sớm hơn. Liệu chúng ta có nên tăng mức xử phạt với bác sĩ, cơ sở tiết lộ giới tính thai để hạn chế tình trạng phá thai lựa chọn giới tính thai nhi? (Nhat Linh, 30 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Anh:

Nghị định 176/2013/NĐ-CP hiện quy định mức xử phạt như sau:

Điều 81. Vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Tuyên truyền, phổ biến phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; b) Tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn. 

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Bán, cho thuê, phân phát, đưa lên mạng internet xuất bản ấn phẩm có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; b) Đăng, phát thông tin có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn. 

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi xuất bản ấn phẩm có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc tiêu hủy tài liệu, vật phẩm được sử dụng để tuyên truyền, phổ biến phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 và Khoản 3 Điều này; b) Buộc xóa bỏ, gỡ bỏ nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

Điều 82. Hành vi chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bói toán cho người đang mang thai để xác định giới tính thai nhi.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 83. Vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; b) Cung cấp thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; c) Nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này; b) Đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nghiên cứu trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 3 Điều này; c) Đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này.

Điều 84. Hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành ví dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

5. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; b) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

7. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều này; b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều này; c) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này; d) Đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều này.

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Dân số vào năm 2018, sẽ có các quy định chi tiết, cụ thể hơn về các chế tài và mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiết lộ giới tính trước sinh. 

– Nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm mức sinh. Nhưng chưa có quốc gia nào thành công trong việc nâng mức sinh. Vậy Việt Nam có những chính sách gì để nâng cao mức sinh tại những khu vực đang có mức sinh thấp? (Quang Hiển, 27 tuổi, Số 10 Trà Quý Bình, phường 2, Tân An, Long An)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Theo tôi trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền về những hệ lụy của việc chỉ sinh 1 con và việc cần thiết sinh đủ 2 con. Thứ hai, phát triển hệ thống dịch vụ gia đình như: nhà trẻ mẫu giáo, giúp việc gia đình… để làm nhẹ gánh nặng nuôi dạy con nói riêng và công việc gia đình nói chung. Thứ ba, phát triển các chính sách hỗ trợ gia đình khi các cặp vợ chồng sinh con (hỗ trợ tiền nếu có thể, chế độ vợ đẻ chồng nghỉ, con ốm bố mẹ đều được nghỉ, bố trí giờ làm linh hoạt…). 

– Chính sách dân số của Việt Nam trong thời gian tới sẽ thay đổi như thế nào? Tôi thấy rất lo lắng trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, vào nhiều lớp học mầm non thấy trẻ trai chiếm đa số. (Nguyen Nam, 40 tuổi, Hưng Yên)

– Giáo sư Nguyễn Đình Cử:

Thay đổi lớn nhất của chính sách dân số Việt Nam là chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. 

Kế hoạch hóa gia đình không còn là trọng tâm, chứ không phải từ bỏ kế hoạch hóa gia đình. Trọng tâm của chính sách thời gian tới sẽ tập trung giải quyết các vấn đề: già hóa dân số, khai thác lợi thế của cơ cấu dân số vàng, phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số và vấn đề mà bạn rất lo lắng là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.  

– Cho tôi hỏi, tôi là đảng viên, hiện tại tôi có 2 con, một trai, một gái, giờ vợ chồng tôi vỡ kế hoạch sinh bé gái nữa. Vậy tôi có bị kỷ luật không? (Nguyễn Anh Tuấn, 30 tuổi, Quảng Nam)

– Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Anh:

Theo điều 26 quy định 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Ban chấp hành Trung ương, Đảng viên sinh con thứ ba thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Trường hợp sinh con thứ tư thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ). Trường hợp sinh con thứ năm trở lên hoặc gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận con nuôi mà thực chất là con đẻ, nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định, sẽ kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.

Có 7 trường hợp được sinh con thứ 3 mà không vi phạm pháp luật, theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011, bao gồm:

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Mai Thương