Home » Khỏe và đẹp » Mỗi năm Việt Nam có 300.000 ca phá thai

Mỗi năm Việt Nam có 300.000 ca phá thai

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó một nửa kết thúc bằng việc phá thai. Khoảng 60% phá thai không an toàn, chủ yếu ở các nước đang phát triển. 14% ca mẹ tử vong do phá thai không an toàn. Mỗi phút trên toàn thế giới có 38 ca phá thai không an toàn, tám phút có một ca mẹ chết vì lý do này.

Tại Việt Nam hàng năm có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Tỷ lệ này đã giảm nhưng vẫn còn cao, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho biết tại hội thảo hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới, hôm 26/9.

moi-nam-viet-nam-co-300000-ca-pha-thai

Thống kê tổng số ca phá thai và phá thai vị thành niên tại Việt Nam. 

Phá thai chủ yếu là hậu quả mang thai ngoài ý muốn. “Khoảng 56% trường hợp có thai ngoài ý muốn do không áp dụng biện pháp tránh thai, nhu cầu không được đáp ứng. Gần 40% là thất bại của các biện pháp tránh thai”, ông Tuấn phân tích.

Vì thế, tăng cường đáp ứng nhu cầu tránh thai cho tất cả các nhóm có nhu cầu là giải pháp cơ bản vừa giúp giải quyết tình trạng có thai ngoài ý muốn vừa giảm tỷ lệ phá thai. Tuổi vị thành niên, thanh niên cần được quan tâm hơn vì phải đương đầu với nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Thực tế, giới trẻ hiện thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai cao, phá thai nhiều lần khá phổ biến. Tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang gia tăng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế.

Theo Tổng cục Thống kê, nước ta có khoảng 24 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi). Con số này sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo đạt cực đại vào năm 2027-2028. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai khoảng 78%.

Phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích như chủ động sinh con, tránh những tai biến sản khoa và không bị bệnh lây truyền qua đường tình dục. Không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn sẽ hạn chế được tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn làm tăng tỷ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là chết lưu và suy dinh dưỡng…

Có thể phòng tránh được nhưng phá thai không an toàn vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng, thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới (đặc biệt đối với các nước đang phát triển).

Xuất phát từ thực tế báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các biện pháp tránh thai còn thiếu trong giới trẻ; từ năm 2007, ngày 26/9 được lấy làm ngày Tránh thai thế giới. Ngày Tránh thai Thế giới năm nay có chủ đề “Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta” nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng, đặc biệt giới trẻ về mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai…

Nam Phương