Có nhiều câu chuyện thú vị về món natto được người Nhật lưu truyền đến ngày nay. Một trong số đó liên quan đến cuộc chiến dẹp loạn phiến quân cách đây hàng nghìn năm. Khi quân lính dừng lại nấu đậu nành cho ngựa ăn thì bất ngờ bị tấn công. Họ đành vội vã quấn đậu trong gói rơm, cột chặt vào lưng ngựa.
Ngày hôm sau, gói đậu ấm lên, lên men và bốc mùi khủng khiếp, song đàn ngựa vẫn ăn ngon lành. Binh lính tò mò nếm thử và phát hiện ra món ăn bổ dưỡng, mau tiêu, nhuận tràng.
Món natto làm từ đậu nành lên men. |
Theo thời gian, natto được người Nhật Bản ưa chuộng suốt 1.200 năm. Món ăn không phải chế biến cầu kỳ, chỉ cần ủ hạt đậu nành luộc chín với men bacillus natto, đặt ở môi trường 40 độ C trong 14-18 giờ. Quá trình lên men tự nhiên khiến hạt đậu chuyển sang màu nâu, độ nhớt cao, mùi nồng nặc. Bù lại, sản sinh ra loại enzym nattokinase đặc biệt có công dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Enzym nattokinase được Tiến sĩ Sumi Hiroyuki (Đại học Chicago), nhà nghiên cứu vi sinh học nổi tiếng Nhật Bản phát hiện đầy đủ vào năm 1980. Đến năm 1986, ông công bố toàn bộ kết quả nghiên cứu về tác dụng của nattokinase, sau khi so sánh với 173 loại thực phẩm khác. Enzym này có khả năng phân hủy huyết khối hữu hiệu gấp 4 lần plasmin (enzym nội sinh làm tan máu đông).
Theo Tạp chí NBI Health (Mỹ), có ít nhất 17 nghiên cứu trên thế giới về công dụng tan cục máu đông của món natto. Nattokinase có khả năng ngăn tế bào máu kết dính, giảm độ nhầy máu và hạ huyết áp. Hoạt chất tác động trực tiếp lên tơ huyết (sợi fibrin làm đông máu), khiến chúng tan ra, chống hình thành cục máu đông và dự phòng đột quỵ. Enzym này làm sạch máu, nên còn cải thiện tuần hoàn não, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Thí nghiệm huyết khối nhân tạo (phần trắng) xung quanh hạt natto (màu vàng) tan ra sau từng giờ. Ảnh: JNKA |
Với nhiều người, món natto có mùi vị khó ăn. Nhiều sản phẩm dự phòng đột quỵ chứa nattokinase ra đời nhằm khắc phục điểm yếu này. Chúng đều phải được Hiệp hội Nattokinase Nhật Bản (JNKA) chứng nhận chất lượng mới được lưu hành thị trường.
Bao bì đóng dấu mộc JNKA cần thoả mãn 4 tiêu chí: lên men natto bằng vi khuẩn bacillus subtilis; hàm lượng nattokinase hơn 2.000FU mỗi ngày; dùng đơn vị đo lường FU; được chứng minh an toàn. Mỗi năm, JNKA sẽ kiểm tra lại sản phẩm để tiếp tục cấp dấu, nếu không sẽ thu hồi. Tại Việt Nam, hiện có Công ty Dược Hậu Giang là thành viên của hội.
Theo Earthclinic, nattokinase không nên dùng cho người hạ huyết áp, rối loạn chảy máu, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt… để tránh loãng máu.
An San