Chiều 22/2, các cán bộ Ngân hàng Mắt, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có mặt tại ngôi nhà nhỏ của bé gái 7 tuổi thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Người mẹ rất trẻ đang ngồi ôm con trên chiếc giường tầng, khá đông người tập trung xung quanh có ông bà ngoại, bố, hàng xóm, bạn bè…
Giới thiệu là cán bộ đến lấy giác mạc hiến tặng, anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) lặng người khi nghe lời của người mẹ nói với con gái nhỏ đã mất “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé”. Người mẹ nói, đặt nụ hôn lên trán con mà không kìm được nước mắt.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt. |
Khi bình tĩnh lại, người mẹ trẻ kể câu chuyện về con gái bé bỏng với giọng đầy tự hào. Cô bé rất ngoan, học giỏi, dù lúc ốm, bệnh nặng vẫn rất nghe lời. Trước đó hai mẹ con đã nói chuyện với nhau về cái chết, và rằng “Nếu có chuyện gì, mẹ con mình sẽ gặp nhau trên thiên đàng”. Bé bị u thần kinh đệm cầu não lan tỏa – một căn bệnh hiếm ở trẻ em và điều trị vô cùng khó khăn. Bản thân mẹ bé là một người làm trong ngành y, cũng hiểu vấn đề hiến mô tạng nên nguyện vọng của gia đình là được hiến tặng tạng của con. Tuy nhiên, do chưa đủ 18 tuổi nên chỉ có thể hiến tặng giác mạc.
Sau khi thực hiện xong các thủ tục văn bản giấy tờ cần thiết, các kỹ thuật viên bắt tay vào công việc lấy giác mạc cho bé. Tập trung vào công việc đã quen thuộc hơn 10 năm nay, anh Hoàng nghĩ “cố làm cho nhẹ nhàng nhất có thể để không làm đau bé”. Trong lúc đó anh nghe loáng thoáng người thân bé kể lại chuyện khi cháu còn đi lại được, nói chuyện bình thường, những lời động viên “cháu làm được như thế, ông phải tự hào về cháu”.
Kết thúc công việc sau 30 phút, lấy giác mạc bỏ vào lọ bảo quản, anh Hoàng quay lại thì thấy mắt ai trong phòng cũng đỏ hoe, rơm rớm. “Đang thu dọn dụng cụ thì mình nghe người mẹ nói ‘Mẹ rất tự hào về con’, lúc đó nước mắt chỉ chực rơi nhưng mình kìm lòng lại, đứng dậy từ biệt gia đình. Có lẽ mình sẽ không bao giờ quên được giây phút này”, anh Hoàng xúc động kể lại.
Cách đây 7 năm, bản thân anh cũng từng lấy giác mạc hiến tặng của một bé trai 6 tuổi ở Kim Sơn, Ninh Bình. Theo gia đình, bé đang tập xe đập thì bị một xe khác đi ngang va quệt nên ngã đập đầu xuống đất. Khi đó là một ngày mùa đông, trời đã tối. Anh vẫn nhớ như in cảm giác xúc động khi bước vào nhà nhìn thấy một bé trai nhỏ bé đang nằm an nhiên trên chiếc bàn lớn giữa phòng. Đây là em bé dưới 10 tuổi đầu tiên anh lấy giác mạc hiến tặng, thời điểm đó.
Anh Hoàng cho biết đã nhận hơn 400 ca hiến tặng giác, mỗi lần mỗi cảm xúc khác nhau với những hoàn cảnh rất đặc biệt. Trong đó người hiến tặng dưới 20 tuổi rất ít, vì thế có trường hợp nào anh đều nhớ rất rõ.
Hiện nhu cầu nhu cầu ghép giác mạc tương đối lớn. Danh sách chờ ghép tại ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương là gần 1.000 người. Tuy nhiên, ngân hàng rất “nghèo”, luôn trong tình trạng không có vốn, lúc nào có là sử dụng hết. Một trong những rào cản lớn nhất của việc hiến tặng giác mạc cũng như các mô tạng khác là quan niệm “chết phải toàn thây”.
Bất cứ ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Giác mạc hiến tặng phải được lấy trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời.