Home » Khỏe và đẹp » Mong ước làm mẹ dang dở của sản phụ hiếm muộn Bắc Ninh

Mong ước làm mẹ dang dở của sản phụ hiếm muộn Bắc Ninh

Bé Nguyễn Hà Vi sinh ngày 16/11/2017 khi mới 35 tuần thai. Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tiến hành mổ bắt con vì thai suy, mẹ bị biến chứng thai kỳ tiền sản giật và huyết áp cao. Bé chào đời nặng 1,6 kg, được chẩn đoán suy hô hấp sơ sinh, nằm phòng chăm sóc đặc biệt. 3h sáng 20/11, tình trạng bé diễn tiến nặng, suy hô hấp tăng, chẩn đoán nhiễm khuẩn. Hà Vi là một trong 4 bé qua đời trong buổi sáng 20/11 tại Viện Sản Nhi Bắc Ninh.

“Hai ngày trôi qua, gia đình vẫn vô cùng đau đớn”, bà Thiên, thím của bé Vi chia sẻ. Thời gian chỉ làm người trong cuộc ý thức rõ và thấm thía nỗi mất mát con là sự thật. Mẹ bé, chị Nguyễn Thị Hà thẫn thờ giữa những cơn thức – ngủ và mong tất cả chỉ là một cơn ác mộng. 6 ngày sau sinh, được xuất viện hôm thứ bảy nhưng chị Hà vẫn nấn ná ở lại bệnh viện với hy vọng gặp đứa con mới chào đời, là em bé bao năm dài cả nhà chờ đợi.

Cuộc gọi từ bệnh viện lúc 3h sáng hôm ấy khiến người chú là Nguyễn Thạc Hợi không thể quên. Cả gia đình lao đến viện. 9h sáng, gia đình nhận thi thể bé, lúc này cân nặng đã 1,8 kg, khuôn mặt tròn.

mong-uoc-lam-me-dang-do-cua-san-phu-hiem-muon-bac-ninh

Một em bé được chăm sóc đặc biệt sau sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Ảnh: Ngọc Thành.

Chị Thiên (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), em dâu chị Hà, vốn dõi theo và hỗ trợ chị dâu từ những ngày đầu mang thai: “Hai anh chị hiếm muộn, háo hức chờ đón con bao nhiêu, giờ cớ sự lại trớ trêu thế này.” Mỗi ngày, nằm phòng hậu sản, người mẹ đều hỏi thăm bác sĩ “em bé có khỏe không, có ăn uống và lớn lên chút nào không”. Những câu trả lời ngắn gọn của bác sĩ “em bé bình thường” không đủ thỏa mãn mong ước được nhìn thấy con của người mẹ.  

Hai vợ chồng chị Hà, anh Hoàn cưới nhau năm 2009. Đến 8 năm dài anh chị dành dụm chữa hiếm muộn để có tiếng khóc con thơ trong căn nhà nhỏ. Họ tiết kiệm từ đồng lương công nhân và vay mượn anh chị em để đủ chi phí hơn 100 triệu đồng cho việc thụ tinh ống nghiệm. Đầu năm 2017, hai vợ chồng thụ tinh ống nghiệm ở Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội). Thai nhi lớn lên trong niềm vui khôn tả của cả bà con họ hàng. Anh Hoàn đang là công nhân cơ khí đã chuyển về làm phụ hồ gần nhà để thuận tiện thời gian đưa đón vợ đi làm và thăm khám thai. Đến tuần thai 32 thì anh nghỉ hẳn ở nhà để chăm nom vợ. Nhưng niềm vui chẳng tày gang.

Chiều 20/11 anh Hoàn đứng tần ngần trước khu nhà xác chờ nhận con. Khóe mắt ậng nước chực trào nhưng ngăn lại được bởi anh có nhiều việc phải lo. Lo tìm cách an ủi vợ, lo xe cộ chở con về nhà, lo hậu sự. Giữa cái lạnh đầu đông se sắt, hai bàn tay người cha cứ như thừa thãi, hết gãi đầu rồi lại đan vào nhau thật chặt. Anh chưa vui tròn khoảnh khắc đón con đầu lòng cách đây vài hôm, nay lại nhận tin dữ.

Xe bệnh viện đưa thẳng em bé 6 ngày tuổi về nghĩa trang đầu làng. Tục làng kiêng cữ đem em bé mất do sinh non về nhà. Dáng những người lớn cúi nghiêng bên nấm mộ nhỏ trong buổi chiều đông. Đêm 20/11 là một đêm trắng với cả gia đình, bữa cơm được dọn lên nhưng không ai buồn đụng đũa. Ông nội bỏ ăn bước ra thăm mộ cháu, đốt vàng mã để cháu bớt hơi lạnh.

Người mẹ 33 tuổi chưa hồi phục sức sau sinh. Ở cái tuổi không còn quá trẻ trung, vết mổ vẫn chưa lành cần thời gian phục hồi, chị và gia đình phải chờ ít nhất 2 năm để có thể tìm cách sinh con. 

Từ 2 đến 10h sáng 20/11, có 4 bé sơ sinh đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh lần lượt tử vong. Kết luận sơ bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự và các chuyên gia nhi khoa, dựa trên giám định pháp y bệnh nhi, nguyên nhân gây tử vong là do “sốc nhiễm khuẩn”, có liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện. Kíp trực liên quan 4 trẻ tử vong ngày 20/11 bị đình chỉ công tác để viết tường trình và phục vụ điều tra. 19 bé được đưa về các bệnh viện lớn ở Hà Nội để tiếp tục điều trị, trong khi khu vực chăm sóc đặc biệt trẻ sinh non ở viện Bắc Ninh tiến hành sát khuẩn cuốn chiếu. Kết quả cấy vi khuẩn 2 bé nặng chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy có hiện diện vi khuẩn kháng thuốc. 

Khánh Ly