Phó giáo sư Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam chia sẻ bên lề hội nghị Chấn thương chỉnh hình Đông Nam Á cuối tuần qua, số người Việt mắc bệnh khớp đang tăng cao. Số bệnh nhân về cột sống điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tăng gấp đôi trong những năm gần đây.
Nguyên nhân là nhiều người bị loãng xương hoặc vận động quá mức, đi giày cao gót liên tục. Đặc biệt là nhiều người bị thừa cân, béo phì nhưng lại chạy và đi bộ quá nhiều… Kết quả nghiên cứu cho thấy, con người cứ tăng 0,45 kg trọng lượng cơ thể thì khớp gối sẽ phải chịu lực thêm 1,5 kg khi đi. Tương tự, khi chạy trọng lượng cơ thể đè lên khớp gối tăng lên 4,5 kg.
Theo phó giáo sư Thạch, ngành chấn thương chỉnh hình Việt Nam đã áp dụng kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn (phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ) để điều trị cho bệnh nhân xương khớp. Trình độ của bác sĩ Việt Nam đã theo kịp sự phát triển kỹ thuật của thế giới. Các bệnh viện có trang thiết bị hiện đại, thực hiện thay cột sống, khớp gối bằng robot. Các tổ chức phần mềm cơ thể như cơ xương khớp ít bị phá hủy, hạn chế được các nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu. Người bệnh có điều kiện phục hồi sức khỏe sớm.
Trong quá trình phẫu thuật, hệ thống robot giúp bác sĩ định vị vị trí mổ theo kế hoạch đã vạch sẵn từ trước với độ chính xác cao nhất, giúp ca mổ được an toàn. Hai ngày sau mổ bệnh nhân có thể đi lại được.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành hơn 1.000 ca mổ nội soi cột sống bằng robot, chưa có ca nào biến chứng hay phải mổ lại. Bệnh viện Bạch Mai cũng thực hiện được hàng chục ca phẫu thuật nội soi khớp háng, khớp gối bằng robot.
“Can thiệp ít xâm lấn trong chấn thương chỉnh hình có robot hỗ trợ là kỹ thuật nổi trội nhất của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Nó mang lại lợi ích cho người bệnh vì đảm bảo an toàn, chính xác”, phó giáo sư Thạch nói.