Home » Khỏe và đẹp » Ngày càng nhiều người trẻ bị thoái hóa khớp sớm

Ngày càng nhiều người trẻ bị thoái hóa khớp sớm

Thoái hóa khớp là hậu quả của tình trạng mất cân bằng tổng thể, gây hủy hoại sụn và xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này do nhiều yếu tố như di truyền, chuyển hóa và chấn thương. Theo thống kê ở Mỹ, có 85% người trên 55 tuổi mắc bệnh thoái hóa khớp. Tại Việt Nam, báo cáo nghiên cứu “Già hóa dân số và người cao tuổi” năm 2011 ghi nhận khoảng 30% người trên 35 tuổi bị thoái hóa khớp, con số này là 60% ở nhóm trên 65 và 85% người trên 80 tuổi. Các chuyên gia khuyến cáo tỷ lệ tàn tật do thoái hóa khớp gối ngày càng gia tăng, hiện đã ngang bằng với bệnh phổi và tim mạn tính. Bệnh có xu hướng trẻ hóa.

ngay-cang-nhieu-nguoi-tre-bi-thoai-hoa-khop-som

Ảnh chụp một bệnh nhân bị thoái hóa khớp phải thay khớp gối nhân tạo.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết thoái hóa khớp vốn được coi là bệnh của người già. Tuy nhiên gần đây theo ghi nhận của bác sĩ, có rất nhiều người dưới 35 tuổi đã bị thoái hóa khớp gây đau đớn, khó chịu, phải vào viện điều trị. Cá biệt có một số bệnh nhân tuổi teen bị thoái hóa khớp do di chứng của chấn thương thể thao hoặc tai nạn. Trong đó có nhiều ca nặng, buộc phải phẫu thuật mới cải thiện được chức năng vận động.

Theo bác sĩ Khanh, hiện có nhiều phương pháp chữa trị thoái hóa khớp gối, bao gồm điều trị nội khoa bảo tồn và ngoại khoa (khi bảo tồn không còn hiệu quả). Các kỹ thuật ngoại khoa trong điều trị thoái hóa khớp gối khá đa dạng, như nội soi cắt lọc, tạo vi gãy xương kích thích tủy, cấy tế bào sụn tự thân. Bệnh nhân có thể được ghép sụn xương tự thân, ghép sụn xương đồng loại hoặc cắt xương sửa trục, liệu pháp tế bào gốc, thay khớp gối bán phần hay toàn phần. 

Thay khớp gối nhân tạo chia làm 2 nhóm: Toàn phần và bán phần. Trước đây, khi chưa có phương pháp thay khớp bán phần, những người bị thoái hóa khớp gối thường phải chịu đựng cơn đau dai dẳng cho đến lúc không thể đi được mới có chỉ định thay khớp gối toàn phần. Khi thực hiện kỹ thuật này, những bộ phận không bị tổn thương như dây chằng chéo, khớp lành và một số phần mềm khác đều bị cắt bỏ. Đối với người bệnh còn trẻ, kỹ thuật này ảnh hưởng nhiều đến khả năng phục hồi vận động sau này.

Hiện nay, phương pháp mới là thay khớp gối bán phần (chỉ thay một bên tổn thương, không phải toàn bộ mặt khớp) mang lại nhiều lợi ích hơn như ít mất máu, bảo tồn xương nhiều hơn, phục hồi chức năng tốt hơn. Đặc biệt loại khớp gối nhân tạo di động thế hệ mới (mobile bearing) có thể xoay giúp gia tăng độ linh hoạt, ít mòn, tăng thời gian sử dụng đến 10 – 15 năm, cho tới khi cần thay lại khớp cũng sẽ dễ dàng và mau bình phục hơn.

c sĩ Khanh giải thích phẫu thuật thay khớp gối là bao gồm gọt bỏ lớp sụn đầu xương đã bị hư hoại và thay vào lớp kim loại mỏng bao bọc đầu xương tránh cho xương tiếp xúc trực tiếp với phần đầu xương gây đau. Việc thay khớp gối nhân tạo được chỉ định trong những trường hợp thoái hóa khớp nặng, chân lệch trục, điều trị nội khoa không hiệu quả. Phương pháp này giúp bệnh nhân giảm đau, cải thiện khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tổ chức báo cáo chuyên đề “Thay khớp gối bán phần” từ 4 đến 8/7. Chương trình nhằm cập nhật các phương pháp và kiến thức mới về thay khớp háng chuyển động đôi, thay khớp gối nhân tạo thế hệ mới, ứng dụng hỗ trợ kiểm soát cắt xương bằng máy tính – navigation và thay khớp gối bán phần…