Bác sĩ Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết nếu cấp cứu chậm vài phút bệnh nhân nguy cơ không giữ được mạng sống hoặc có thể mất chức năng não, sống thực vật. Khi vào viện bệnh nhân đã khó thở, tím tái, mạch huyết áp không đo được, tiêu tiểu không tự chủ.
Nguyên lý hoạt động của nắp đường thở
Bác sĩ Nguyễn Quang Tú, trưởng ca trực cấp cứu cho biết trước tình trạng bệnh nhân thập tử nhất sinh, bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ. Các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, mở khí quản khai thông đường thở, hồi phục tim… giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch.
Bệnh nhân đang được bác sĩ chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: T.P |
Theo bác sĩ Tú, bệnh nhân bị viêm thanh thiệt, tức viêm nắp đường thở. Bình thường thanh thiệt vốn mềm mại, mỏng manh. Khi ăn uống thanh thiệt sẽ đóng không cho thức ăn, nước uống lọt xuống đường thở. Ở bệnh nhân này khảo sát thấy phù nề, bít tắt đường thở. Viêm thanh thiệt cấp có nhiều nguyên nhân, thường do cảm cúm lâu ngày, hóc xương thời gian dài gây nhiễm trùng…
Trước nhập viện khoảng 20 ngày bệnh nhân ăn cơm với cá, có cảm giác vướng họng nên nghĩ là hóc xương. Gần đây ông thường đau họng, thay đổi giọng nói, cho rằng do hóc xương nên không đi khám. Bác sĩ khuyến cáo khi có biểu hiện bất thường như khàn tiếng, đau họng, khó thở… nên đi khám sớm.