Trong khi những người khác thoải mái bước đi dưới mưa, Rachel lại vô cùng khổ sở. Tắm rửa trở thành ác mộng, ngụp lặn ở vùng biển nhiệt đới chẳng khác nào xát mình giữa bể thuốc tẩy. Nghe có vẻ kỳ quái, đây chính là thế giới của một phụ nữ mắc bệnh dị ứng nước (aquagenic urticaria). Mọi tiếp xúc với nước, bao gồm cả mồ hôi, đều khiến Rachel bị đau, sưng, ngứa dữ dội, đôi khi kéo dài vài tiếng.
“Đối với tôi, đây chính là địa ngục”, cô tâm sự. “Thật kinh khủng, mặt tôi sẽ sưng phồng nếu khóc”.
Chân dung Rachel Warwick. Ảnh: CATERS. |
Theo BBC, dị ứng nước là căn bệnh hiếm gặp với tỷ lệ một trên 230 triệu người, có nghĩa hiện nay trên toàn thế giới chỉ có 32 người gặp cùng tình trạng với Rachel. Dị ứng nước khiến các nhà khoa học đau đầu bởi về cơ bản nó không phải bệnh dị ứng. Trên thực tế, aquagenic urticaria giống phản ứng của hệ miễn dịch trước cái gì đó bên trong cơ thể chứ không phải yếu tố xuất phát từ môi trường. Một lý thuyết trước đây cho rằng nước tiếp xúc với lớp da ngoài cùng khiến tế bào chết cùng chất nhờn giải phóng chất độc hại dẫn đến phản ứng miễn dịch. Vài ý kiến khác lại nhận định nước hòa tan các hóa chất ở lớp da ngoài cùng, cho phép chúng thâm nhập sâu hơn rồi kéo đến loạt triệu chứng.
Dù nguyên nhân dẫn đến dị ứng nước là gì, bác sĩ da liễu Marcus Maurer, người sáng lập Quỹ Dị ứng Châu Âu (ECARF) tại Đức khẳng định đây là một trong những căn bệnh da liễu tồi tệ nhất, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống. “Tôi có những bệnh nhân dị ứng nước suốt 40 năm và mỗi ngày thức dậy lại bị phù nề”, ông nói. Ngoài những triệu chứng sưng, đau, phát ban, người bị dị ứng nước nhiều khả năng rơi vào trầm cảm hoặc lo hãi bởi không biết bao giờ mình lại “phát bệnh”.
Rachel may mắn được bác sĩ phát hiện chứng aquagenic urticaria vào năm 12 tuổi sau khi đi bơi và phát ban. Thay vì xét nghiệm phức tạp, bác sĩ chẩn đoán bệnh bằng phương pháp làm ướt phần cơ thể bên trên của bệnh nhi rồi xem chuyện gì xảy ra.
Người bị dị ứng nước buộc phải học cách sống chung với bệnh tật dù chẳng khác nào tra tấn. Đối với những hoạt động thường nhật như tắm gội, Rachel phải cần đến sự giúp đỡ của chồng. Cô chỉ tắm một lần mỗi tuần, mặc quần áo mỏng và tránh tập thể dục để hạn chế đổ mồ hôi. Giống như những bệnh nhân khác, Rachel uống rất nhiều sữa bởi phản ứng nhẹ hơn so với nước. Người phụ nữ không thể ra ngoài vào mùa đông vì trời liên tục mưa.
Tìm liều thuốc chữa trị dị ứng nước vô cùng khó khăn. Người ta vẫn sử dụng thuốc kháng histamine để kiểm soát căn bệnh song loại thuốc này không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng. Năm 2014, các bác sĩ Đức đề nghị Rachel uống một liều cao thuốc kháng histamine rồi thử bước xuống hồ bơi. Kết quả, cô “bị ngứa phát điên”.
Gần đây, các nhà khoa học thuộc ECARF phát hiện một loại thuốc vốn dành để điều trị hen suyễn có thể giúp đỡ người dị ứng nước. Tháng 8/2009, cuộc thử nghiệm thuốc này trên nữ bệnh nhân 48 tuổi thu về kết quả khả quan. Trải qua vài tuần điều trị, các triệu chứng phát ban, ngứa giảm dần rồi mất hẳn sau một tháng. Một bệnh nhân khác của của Maurer dị ứng với mồ hôi cũng khá lên rất nhiều nhờ một tuần sử dụng thuốc. Vấn đề còn lại là kiểm chứng trên diện rộng. Với 32 bệnh nhân trên toàn thế giới, gần như giới khoa học chắc chắn không thể tìm đủ tình nguyện viên cho một nghiên cứu lớn. Thêm vào đó, các công ty dược phẩm tuyên bố không lên kế hoạch sản xuất thuốc trị dị ứng nước. Cuối cùng, trở ngại lớn nhất không phải khoa học mà là kinh tế.
Trước khi phương thức điều trị dị ứng nước được tìm ra, các bệnh nhân như Rachel vẫn phải tiếp tục chịu đựng hàng ngày. Cho đến ngày đó, mong muốn được thoải mái bơi lội hay dạo chơi dưới mưa của người phụ nữ này vẫn chỉ dừng lại ở mơ ước.
>> Xem thêm: Khuôn mặt ma quái sau gáy người đàn ông khiến y học bối rối
Minh Nguyên