Bệnh nhân bị tổn thương não hết sức nặng nề. Ảnh: T.A. |
Sau 24 giờ uống rượu, bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc, được người nhà đưa vào Bệnh viện Giao thông vận tải cấp cứu. Do hôn mê, xét nghiệm nồng độ methanol trong máu lên đến 45,9 mg/dl, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vào đêm 6/4. Được điều trị tích cực song đến nay tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng, tổn thương não nặng nề, nguy cơ di chứng và tử vong rất cao.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị một bệnh nhân khác nhiễm trùng nặng do ngộ độc rượu methanol.
Như vậy sau một thời gian tạm lắng khi cơ quan chức năng ráo riết truy tìm rượu không rõ nguồn gốc, Hà Nội lại tiếp tục ghi nhận bệnh nhân ngộ độc rượu methanol. Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, từ đầu năm đến nay nơi đây đã cấp cứu 33 người ngộ độc rượu methanol; trong đó 9 bệnh nhân tử vong tại viện hoặc nặng gia đình xin về; nhiều người có di chứng tổn thương mắt, não nặng nề.
Theo thạc sĩ Nguyên, người dân rất khó phân biệt được rượu có methanol và không có methanol. Các dấu hiệu ngộ độc lại xuất hiện rất muộn, thường 24 giờ sau khi uống. Vì thế, bệnh nhân đến viện muộn, việc cấp cứu rất khó khăn.
Rượu pha cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khởi đầu nó có tác dụng tương tự như rượu thông thường. Khi vào cơ thể, chất cồn này được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả bộ phận cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống rượu, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…; khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Xem thêm bệnh viện cấp cứu nạn nhân ngộ độc rượu methanol
Phương Trang