Cách đây một năm, khi ông đang ngoáy tăm nhang vào lỗ rò thì bị cháu ngoại va vào khiến cây tăm gãy nằm trong tai ông. Bệnh viện tại Long An khám không phát hiện dị vật. Khoảng một tháng nay vùng trước và sau vành tai sưng nề nhiều, chảy dịch hôi nên ông lên TP HCM khám.
Bác sĩ Thái Hữu Dũng, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết lỗ rò luân nhĩ của bệnh nhân đã biến chứng nhiễm trùng, chỉ định mổ. Trong quá trình mổ bác sĩ phát hiện vùng mô xơ nhiễm trùng có dị vật là cây tăm nhang dài 2 cm. Đường rò đi xuyên từ phía trước ra phía sau vành tai.
Bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ. Ảnh: T.P |
Theo bác sĩ Dũng, rò luân nhĩ là vùng trước vành tai có một lỗ nhỏ xuất hiện từ khi sinh ra. Đây là một dị tật bẩm sinh được gây ra bởi khiếm khuyết hay sự hợp nhất không hoàn toàn của quá trình phôi thai. Dị tật này thường gặp ở tai bên phải, có thể ở cả 2 tai, nữ nhiều hơn nam.
Khoảng 1/3 bệnh nhân không có triệu chứng và không cần điều trị. Thỉnh thoảng ở miệng ống rò chảy dịch hôi, khi viêm nhiễm hay tắc gây ngứa, tiết ra chất dịch màu trắng mùi hôi, nặng hơn thì gây áp xe rò luân nhĩ. Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp, trong giai đoạn cấp có thể điều trị nội khoa. Khi đã bít tắc, áp xe bắt buộc phải phẫu thuật lấy bỏ hết đường rò.
Lỗ rò luân nhĩ thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Ảnh: media. |
Bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết đây là trường hợp đầu tiên rò luân nhĩ có dị vật nằm bên trong. Hầu hết trường hợp rò luân nhĩ không ảnh hưởng đến thính lực. Tại bệnh viện, khoảng 70-80% ca mổ rò luân nhĩ khi có biến chứng viêm nhiễm, áp xe.
Bác sĩ khuyến cáo nếu có đường rò luân nhĩ bẩm sinh thì nên giữ vệ sinh vùng lỗ rò và tuyệt nhiên không nên day ấn hoặc dùng vật nhọn ngoáy vào đường rò. Khi lỗ đã nhiễm trùng, không tự ý điều trị vì có thể gây hậu quả viêm nhiễm, sơ sẹo nhiều lần, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây khó khăn cho điều trị sau này.