Chiếc váy hồng điệu đà giữa buổi chiều đẹp trời Sài Gòn khiến chị Minh trẻ hơn khá nhiều so với tuổi 50. Hai năm kể từ lúc phát bệnh, người phụ nữ xinh đẹp đã lấy lại được vẻ tự tin, duyên dáng như chưa hề có nỗi đau nào đi qua.
“Đến giờ tôi vẫn phải dùng thức ăn xay nhuyễn, chưa cảm nhận rõ vị giác nhưng đã lên cân tương đối tốt”, chị Minh tươi cười. Đã cắt bỏ 1/3 lưỡi, giọng không còn tròn trịa như xưa nhưng chị vẫn trò chuyện cởi mở, sôi nổi. Nhìn lại hành trình đã qua, chị vẫn chưa hình dung sức mạnh đâu ra mà mình có thể chiến đấu kiên cường được vậy.
Tháng 7/2015, dưới lưỡi của chị xuất hiện một đốm nhỏ như nhiệt miệng, hơi rát. Vài ngày không đỡ, chị ra tiệm mua thuốc uống vẫn không cải thiện. Chị được khuyên nên đi tầm soát cho yên tâm vì “có người chỉ đau miệng mà phát hiện ung thư”. Khi có kết quả sinh thiết, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP HCM thông báo chị thu xếp làm thủ tục nhập viện.
“Đầu óc tôi lúc đó quay cuồng, sức khỏe vốn đang bình thường tự dưng lại nhận được thông tin như bản án tử hình”, người phụ nữ vẫn nhớ cảm xúc lần đầu nhận hung tin ung thư. Khi ấy chị mới nhận ra là một phần vạt lưỡi hơi mất cảm giác nhưng không để ý, cổ có nổi hạch. Chị không khóc vì trong đầu hầu như chẳng suy nghĩ được gì. Sau một đêm gần như thức trắng, sáng hôm sau chị bắt đầu các xét nghiệm để làm thủ tục nhập viện. Bệnh ung thư của chị đã ở giai đoạn ba, các bác sĩ khá dè dặt trong tiên lượng điều trị, không còn chỉ định phẫu thuật.
Kết quả CT SCan của bệnh nhân khi mới phát hiện ung thư. |
Trong khi chờ đến lượt khám, nhìn bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, hỏi han trao đổi với người bệnh khác, chị Linh tin rằng “mình sẽ được cứu”. “Cách giao tiếp, giải thích thấu đáo của bác sĩ và nhân viên trong khoa khiến tôi lạc quan nghĩ mình nhất định sẽ sống được, không còn ý định đi nước ngoài chữa trị”, chị Minh nhớ lại.
Trong một tuần hoàn thành các xét nghiệm, gặp gỡ bác sĩ, chị vẫn đảm đương công việc của công ty. Chị cũng không tâm sự cùng chồng con hay bất cứ ai về bệnh tình của mình vì sợ mọi người lo lắng. Sau khi âm thầm sắp xếp công việc, chị xin nghỉ phép và thông báo mọi người để bắt đầu chuỗi ngày hóa xạ trị bắt đầu từ ngày 15/7/2015. Vào viện, hình ảnh những bệnh nhân xạ trị phỏng cháy vùng mặt cổ khiến chị bật khóc. Chị bước vào cuộc chiến chống bệnh tật với tâm thế mọi khổ đau hay sung sướng của cuộc đời mình đều đã nếm trải, không còn hối tiếc gì. Tuy nhiên chị phải cố gắng đến cùng vì các con còn quá nhỏ để thiếu vắng mẹ. Do nhiều năm chữa hiếm muộn để sinh con nên khi ấy đứa con lớn của chị mới học lớp sáu, con nhỏ vào lớp một.
Phác đồ điều trị của chị gồm 35 tia xạ kết hợp vô thuốc hóa trị. Đến tia thứ 20, cơ thể chị bị tàn phá rõ rệt, nôn ói liên tục, ăn uống trong đau đớn phải xay nhuyễn toàn bộ thức ăn. Chị vệ sinh chăm sóc da rất kỹ nhưng vùng mặt và cổ không tránh khỏi phỏng nặng. Tia xạ thứ 30, bác sĩ hỏi có muốn tiếp tục, chị không cho phép mình bỏ cuộc. Người quen đến thăm hầu như không cầm lòng được, người thân khóc vì nghĩ rằng chị khó lòng qua khỏi. Có những giai đoạn kiệt sức, chị viết giấy dặn dò người nhà chuyện hậu sự, chăm lo con cái nếu mình qua đời. Suốt mấy tháng liền, hầu như chị phải nửa nằm nửa ngồi vì nếu nằm xuống sẽ nghẹt đàm không thở được.
Chị kết thúc hóa xạ trị ngày 11/9/2015, bướu và hạch biến mất hoàn toàn. Năm tháng sau, chị đau nhiều vùng bờ lưỡi khi ăn uống. Đầu năm 2016, kết quả chụp PET Scan cho thấy bờ lưỡi bên phải của chị có tổn thương, tăng hoạt động chuyển hóa, khả năng còn buớu. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt một phần lưỡi bên phải bệnh nhân để phòng rủi ro.
Thực đơn hàng ngày của chị Minh. Ảnh: B.N |
Hai năm qua chưa ăn được cơm, không cảm nhận được thức ăn ngon dở nhưng chị vẫn cố gắng cung cấp đủ chất. Từ 54 kg, chị giảm cân còn 42 kg và hiện đã lên được 49 kg. Đều đặn mỗi ngày chị xay nhuyễn hỗn hợp khoảng 300 g rau củ, hai chén cơm, cá bỏ xương. Bên cạnh đó là xay hạt điều tươi làm sữa, nước ép trái cây, mãng cầu, nước nha đam mật ong, nước bông cải xanh, bổ sung dầu tỏi…
Trừ lúc hóa xạ trị và phẫu thuật, thời gian còn lại chị Minh vẫn đến ngân hàng làm việc, đảm đương nhiệm vụ của một “đầu tàu”, hoàn thành các chỉ tiêu doanh số. “Nếu ở nhà sẽ có cảm giác mình là người bệnh, chính công việc đã giúp tôi quên đi đau đớn, không nghĩ nhiều đến bệnh”, chị Minh nói. Khi công việc công ty tương đối ổn định, chị chủ động xin nghỉ hẳn vào tháng 8 năm nay. Bao nhiêu năm miệt mài phấn đấu sự nghiệp, đây là lúc chị dành nhiều thời gian cho bản thân, gia đình, đi du lịch, tham gia các hoạt động từ thiện…
Bác sĩ Lâm Đức Hoàng cho biết, lần kiểm tra gần nhất cho thấy lâm sàng và MRI ổn, dù há miệng hạn chế nhưng bệnh nhân nói khá rõ. Đây là một trong những bệnh nhân để lại nhiều ấn tượng cho bác sĩ về nghị lực chiến đấu và tinh thần lạc quan.
“Những bệnh nhân đồng cảnh ngộ như tôi đã lần lượt ra đi trong quá trình điều trị khiến bản thân đôi lúc hoang mang. Và tôi nhận ra điều đáng sợ của bệnh ung thư không phải ở bệnh tật, mà chính ở việc không giữ vững tinh thần để chiến đấu với nó”, chị Minh chia sẻ. Theo chị, sự hỗ trợ của bác sĩ, thuốc men, sự đồng hành của người thân, bạn bè chỉ là một phần, quan trọng hơn là niềm tin sức mạnh của chính bệnh nhân để vượt qua biến cố.
Ung thư lưỡi thường gặp nhất trong các dạng ung thư khoang miệng. Dấu hiệu nhận biết là vết loét lâu lành trên một tháng, các tổn thương màu trắng hoặc hồng, u nhú trên bề mặt lưỡi, viền xung quanh không đều. Triệu chứng trễ hơn là tổn thương dạng xâm nhiễm, thành mảng cứng, hạn chế cử động lưỡi, chảy máu và đau… Bệnh được phát hiện càng sớm thì kết quả điều trị càng cao. Tỷ lệ khỏi bệnh năm năm sau xạ trị của giai đoạn 1-2 có thể đạt trên 80%, giai đoạn 3-4 là 40%. |