Sáng 3/11, chia sẻ bên lề hội nghị quốc tế về kiểm soát bệnh ung thư, phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết, ung thư đang là vấn đề lớn của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 126.00 trường hợp ung thư và trên 94.000 người tử vong do ung thư. Tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư cao gấp 9 lần số người chết do tai nạn giao thông.
Theo phó giáo sư Thuấn, tỷ lệ tử vong cao là do đa phần người bệnh đi khám, phát hiện, điều trị muộn – ước tính khoảng trên 70%. Bệnh ung thư phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao. Đây là lý do chính khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp, không bằng các nước phát triển.
Phó Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương. |
Theo phó giáo sư Thuấn, tỷ lệ bệnh nhân chữa khỏi ung thư tại Việt Nam khoảng 40%, chủ yếu là các bệnh dễ phát hiện sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Đây là bệnh ở nữ nên chị em cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn. Với bệnh ung thư vú, tỷ lệ chữa khỏi có nơi lên đến 60% nhờ phát hiện sớm. Trong khi đó, ung thư phổi phổ biến ở nam giới, hiện tỷ lệ chữa khỏi rất thấp, 80% trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
“Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư tại các nước phát triển trên 80%, nhờ chiến dịch sàng lọc phát hiện sớm bệnh. Nếu người bệnh Việt Nam cũng phát hiện sớm bệnh thì tỷ lệ chữa khỏi sẽ ngang với các nước phát triển”, phó giáo sư Thuấn nhấn mạnh.
Hiện nay chi phí sàng lọc, phát hiện sớm ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Phó giáo sư Thuấn hy vọng trong thời gian tới bảo hiểm có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa… Tầm soát giúp nâng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm và chữa khỏi bệnh ung thư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng nhấn mạnh, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển. Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống ung thư và một số bệnh mãn tính khác giai đoạn 2015-2025. Trong đó, đặt mục tiêu 40% người bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm, giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do ung thư so với năm 2015. Bên cạnh đó, giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành, giảm 10% tỷ lệ uống rượu bia ở mức có hại…
Thuốc lá là nguyên nhân của 30% các loại ung thư ở người như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, tụy… Rượu, bia gây nhiều loại ung thư như ung thư miệng, họng, thanh quản, vú… Tỷ lệ mắc ung thư gan ở nam giới cao thứ ba sau ung thư phổi và dạ dày, nguyên nhân chính là do xơ gan vì sử dụng rượu bia quá mức.