Tổ chức Save the Children vừa công bố báo cáo The End of Childhood, xếp hạng 172 quốc gia từ tốt nhất đến tệ nhất về chăm sóc trẻ em, CNN đưa tin. Kết quả, Na Uy và Slovenia chia nhau vị trí số một còn Niger nằm cuối cùng. Việt Nam đứng thứ 92 trong bảng này.
Ảnh: Save the Children. |
Theo báo cáo, các tiêu chí đánh giá bao gồm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong, suy dinh dưỡng, bỏ học, lao động, kết hôn sớm, sinh con ở tuổi vị thành niên, di dời do xung đột và phạm tội (giết người). Năm 2015, thế giới có 263 triệu trẻ em bỏ học, 168 triệu em phải làm việc và gần 28 triệu bị ép rời khỏi nhà.
Dù sở hữu nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ chỉ xếp thứ 36, thua cả những nước đang gặp khó khăn như Hy Lạp và Ireland. Nguyên nhân do tỷ lệ trẻ vị thành niên sinh nở cũng như số trẻ dưới 5 tuổi tử vong ở Mỹ cao. Năm 2015 có 23.455 em bé Mỹ dưới 5 tuổi qua đời, nhiều hơn 40 nước châu Âu cộng lại.
10 nước kém nhất về chăm sóc trẻ em đều tập trung ở Tây và Trung Phi, nơi chịu tác động nặng nề của nạn đói cùng xung đột. Tại Niger, 43% trẻ em từ 59 tháng trở xuống kém phát triển vì suy dinh dưỡng. 19,3% dân số Cộng hòa Trung Phi phải rời đi do mâu thuẫn sắc tộc; trẻ em bị sử dụng làm binh lính.
“Chưa bao giờ con người chạy trốn chiến tranh và khủng bố nhiều đến thế”, ông Richard Bland, giám đốc Save the Children nhận định. Đứng đầu thế giới về tỷ lệ di cư, 65,4% trẻ Syria hiện sống xa quê hương vì chiến tranh kéo dài.
Xếp hạng 92 về chăm sóc trẻ em, Việt Nam có 24,9% trẻ em suy dinh dưỡng nặng. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong trung bình chạm mức 21,7% nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến các dân tộc thiểu số. 10,4% trẻ phải kết hôn sớm, trong đó số xuất thân từ gia đình nghèo khổ cao gấp 7 lần gia đình khá giả. Tuổi bắt đầu lao động trung bình của trẻ Việt là 16,4.
Quốc gia chăm sóc trẻ em tốt nhất 1. Na Uy, Slovenia (đồng hạng) 3. Phần Lan 4. Hà Lan, Thụy Điển (đồng hạng) 6. Bồ Đào Nha 7. Ireland 8. Iceland, Italy (đồng hạng) 10. Bỉ, Cyprus, Đức, Hàn Quốc (đồng hạng) Quốc gia chăm trẻ em kém nhất 1. Niger 2. Angola 3. Mali 4. Cộng hòa Trung Phi 5. Somalia 6. Chad 7. Nam Sudan 8. Burkina Faso 9. Sierra Leone, Guinea (đồng hạng) |
Cho rằng báo cáo trên còn một số hạn chế, Lindsay Stark, giáo sư dân số và sức khỏe gia đình tại Đại học Columbia khuyến nghị Save the Children giải thích kỹ lưỡng hơn về lý do một số nước dẫn đầu bảng xếp hạng còn Niger đứng cuối cũng như đa dạng hóa nguồn thông tin hơn. Tuy nhiên, bà khẳng định bản báo cáo đã làm bật lên những quan trọng mà “trước đây ít được quan tâm”.