Chia sẻ tại tổng kết công tác vận động hiến máu tình nguyện, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cho biết mỗi tuần nơi đây phải cung cấp khoảng 400 cúp tiểu cầu, mỗi cúp tương đương 6 đơn vị cho các cơ sở y tế trên địa bàn.
Khoảng vài tuần trước và sau Tết, người hiến tiểu cầu tự nguyện thường ít đến viện khiến nguồn cung có thể bị thiếu hụt. Người nhà bệnh nhân phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hiến tặng tiểu cầu cho người thân.
Người hiến được lấy tiểu cầu (bịch màu vàng) bằng máy chiết tách tự động. Ảnh: Lê Phương. |
Tiểu cầu được sử dụng để truyền cho bệnh nhân sốt xuất huyết, những bệnh lý gây giảm tiểu cầu, một số trường hợp phẫu thuật, sản khoa… Bệnh nhân ung thư máu, rối loạn đông máu, suy tủy… cũng cần truyền liên tục. Tiểu cầu có nhiệm vụ đông cầm máu. Người hiến được lấy tiểu cầu bằng máy chiết tách tự động, mỗi lần hiến được 6 đơn vị. Lượng tiểu cầu mất đi sẽ được cơ thể tái tạo lại đầy đủ trong vòng 5-7 ngày. Trước khi hiến sẽ được khám, làm xét nghiệm máu, khoảng thời gian giữa 2 lần hiến tối thiểu là 4 tuần.
Theo bác sĩ Phù Chí Dũng, TP HCM không chỉ đảm bảo nguồn máu trên địa bàn mà còn hỗ trợ các tỉnh thành lân cận nên ngay cả nguồn máu toàn phần cũng có nguy cơ thiếu hụt nếu không có người cho vào những ngày Tết .
Ngày “Chủ nhật Đỏ” năm 2017 diễn ra vào 8/1 ở 25 tỉnh thành, dự kiến tiếp nhận khoảng 25.000 đơn vị máu phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh dịp Tết. Nhiều tỉnh thành đặt mục tiêu tiếp nhận trên 1.000 đơn vị máu như: Hà Nội 7.000, TP HCM 3.000, Đăk Lăk 2.500. Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng đều đăng ký trên 1.000 đơn vị. |