Khi vượt cạn, ngoài đau đớn và lo lắng, người phụ nữ còn đối mặt với tai biến sản khoa. 5 biến chứng dễ xảy ra nhất trong lúc mang thai, chuyển dạ, hạ sinh và kéo dài đến 6 tuần sau, gồm.
Băng huyết sau sinh: Thai phụ chảy máu nhiều, người khỏe mạnh bình thường có thể mất 500ml máu.
Sản giật: Mẹ bầu tăng huyết áp trong thai kỳ (tiền sản giật), không kiểm soát tốt gây co giật sau sinh.
Vỡ tử cung: Tử cung vỡ, làm thông thương buồng tử cung với ổ bụng thai phụ.
Uốn ván rốn trẻ sơ sinh: Do không vô trùng trong cắt rốn, mẹ không tiêm vắcxin ngừa uốn ván.
Nhiễm trùng hậu sản: Nhiễm trùng đường sinh dục xảy ra sau trong 6 tuần đầu sau sinh thường, đẻ mổ.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ có nhiều năm kinh nghiệm điều trị sản khoa. |
Trong 5 tai biến, nhiễm trùng hậu sản dễ gặp, kéo dài, nguy cơ tử vong cao nhất. Song sản phụ có thể phòng tránh nếu hiểu rõ về chứng bệnh.
Tác nhân gây bệnh
Lý do gây nhiễm trùng hậu sản thường do nhóm liên cầu trùng, trực trùng đường ruột, tụ cầu trùng, vi trùng yếm khí. Chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường máu, âm đạo – cổ tử cung hoặc các tổn thương sinh dục khi sinh. Sản dịch là môi trường tốt tạo điều kiện cho vi trùng phát triển mạnh hơn.
Dấu hiệu nhận biết
Sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế nếu gặp các triệu chứng: đau bụng dưới, lan dần lên bụng trên, sau cùng đau khắp bụng; sốt 38 độ C, có thể kèm ớn lạnh, rét run; dịch ở vùng kín sau sinh có mùi hôi, đục; rối loạn tiểu tiện; vết khâu tầng sinh môn hoặc đường mổ thành bụng sưng đỏ, đau, chảy mủ; ấn bụng dưới thấy đau nhiều…
Trường hợp nặng, bệnh có thể diễn tiến thành nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng, dễ tử vong. Sản phụ lơ mơ, bứt rứt, vã mồ hôi, da tím hoặc nổi bông tím, không có hoặc rất ít nước tiểu, vàng mắt và da, chảy máu không cầm được, thay đổi các dấu hiệu sinh tồn (mạch nhanh, huyết áp tụt, nồng độ oxy máu bão hoà giảm…).
Biện pháp điều trị
Tùy vị trí và mức độ nặng nhẹ của nhiễm trùng, điều trị bao gồm một hoặc phối hợp nhiều biện pháp. Bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh điều trị; vệ sinh âm đạo – cổ tử cung; thuốc co hồi tử cung; thoát lưu và làm sạch lòng tử cung (hút dịch); cắt chỉ vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ thành bụng, thoát lưu mủ hay dịch nhiễm trùng. Bác sĩ có thể phẫu thuật mở bụng, cắt lọc vết khâu cơ tử cung, hoặc phải cắt bỏ tử cung nếu nhiễm trùng nặng toàn bộ cơ quan đó.
Cách dự phòng
Trước mang thai: Chị em nên khám phụ khoa và sức khoẻ định kỳ. Cần sớm điều trị ổn định các bệnh lý viêm nhiễm phụ và nội khoa (thiếu máu, tiểu đường, suy dinh dưỡng, tim mạch…).
Trong thai kỳ: Nên khám thai theo quy định để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, tiểu đường, bệnh lý thận, tăng huyết áp…
Sau sinh: Chị em cần ăn uống đủ dinh dưỡng, không kiêng khem; vận động đi lại sớm, không nằm một chỗ và trong buồng tối. Đặc biệt, vệ sinh và giữ khô sạch vùng kín, vết khâu tầng sinh môn, đường mổ thành bụng. Chị em dùng nghệ tươi hoặc hoạt chất nghệ mixen giúp kháng khuẩn, kháng viêm, giảm phù nề, chống oxy hoá… để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng hậu sản, thu hồi tử cung và cấu trúc nâng đỡ vùng chậu.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi
Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ