Nguyễn Gia Huy 16 tuổi ở Thanh Hóa mắc bệnh máu khó đông bẩm sinh. Từ nhỏ, cơ thể em hay xuất hiện những vết bầm tím dưới da. Em rất hay bị chảy máu, mỗi lần chảy rất khó cầm. Đi khám thì các bác sĩ kết luận em bị thiếu yếu tố 8 trong máu.
Bệnh máu không đông còn gọi là bệnh ưa chảy máu (Hemophilia) do sự thiếu hụt các yếu tố đông máu trong chuỗi 12 yếu tố giúp đông máu. Hemophilia có 2 thể bệnh chính là hemophilia A do thiếu yếu tố 8 gây nên. Đây là thể bệnh hay gặp nhất, chiếm 80%. Thể thứ hai là hemophilia B gây ra do thiếu yếu tố 9.
Để chẩn đoán chính xác bệnh máu khó đông, ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm cầm máu. Tùy tình trạng bệnh mà bệnh nhân mắc hemophilia sẽ được tiêm hoặc truyền yếu tố 8 hoặc 9 định kỳ tại bệnh viện. Tỷ lệ yếu tố truyền phụ thuộc vào tình trạng xuất huyết của bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng Khoa điều trị Hemophilia – Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, đây là chứng bệnh do gen di truyền từ thế hệ trước. Một số gen sản xuất yếu tố 8, yếu tố 9 trong máu bệnh nhân bị tổn thương, dẫn đến biểu hiện máu khó đông.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai chia sẻ:
Hiện nay, chưa có cách chữa dứt điểm căn bệnh này. Vì thế, bệnh nhân cần cẩn thận với những sinh hoạt thường nhật của mình. Bác sĩ Mai khuyên:
– Đối với người bệnh bị máu khó đông, cần thay đổi lối sống phù hợp với đặc điểm của bệnh, đi đứng nhẹ nhàng cẩn thận, tránh những trấn thương dẫn đến chảy máu.
– Tạo môi trường sống an toàn, đi ra đường đội mũ bảo hiểm, những nơi trơn trượt trong nhà cần có tay vịn, cần ánh sáng để tránh bị ngã,..
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kiểm tra định kỳ phòng những viêm nhiễm ở miệng, giảm thiểu tối đa những chảy máu do răng miệng.
– Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh của cơ bắp khỏe, như vậy chuyện chảy máu sẽ ít đi.
– Tránh dùng các thuốc có thể gây chảy máu như aspirin, histamine, không tiêm bắp, không châm cứu.
– Khi gặp các va đập gây chảy máu cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý vết thương lập tức.
Thúy Quỳnh