Trương Thanh Thủy (Thủy Muối) hiện sống ở Mỹ, khá nổi tiếng trong giới startup Việt. Thủy từng đồng sáng lập ứng dụng Tappy, được công ty Weeby tại thung lũng Silicon (Mỹ) mua lại với mức giá tới 7 chữ số. BBC từng ví chị là “nữ hoàng startup Việt”.
Tháng 9/2016, Thủy bất ngờ phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Không đầu hàng trước bệnh tật, chị bắt đầu viết nhật ký chiến đấu với ung thư bằng tiếng Anh, đăng tải trên mạng xã hội Medium. Những dòng chia sẻ đã thu hút nhiều lượt xem và bình luận.
Từ khi bị ung thư, Thủy tìm hiểu nhiều hơn về căn bệnh này. Chị lập dự án mang tên Salt Cancer Iniative, cung cấp các thông tin hữu ích cho bệnh nhân ung thư và tạo nên một cộng đồng chiến đấu với căn bệnh này.
Nhật ký của chị đã ghi lại đến ngày thứ 133 của cuộc chiến vào tháng 3. Trong mấy tháng vừa qua, trang Medium của chị vẫn được cập nhật nhưng là những hoạt động khác, như tổ chức cuộc thi Hack for Health, viết ứng dụng về sức khỏe tại Đại học Nam California, tham gia buổi công chiếu phim tài liệu về hành trình startup “She started it” và chị là một trong những nhân vật chính…
VnExpress lược dịch nhật ký chiến đấu ung thư của “nữ hoàng startup Việt”.
Ngày số 0: Ung thư
Là một kỹ sư, tôi thích đếm từ con số 0 hơn. Nhưng lần này không phải là công việc, hôm nay tôi dùng con số 0 để đánh dấu ngày đầu tiên trong cuộc chiến với ung thư.
Ngày 9/9/2016, một người bạn thân dẫn tôi đến bệnh viện ở Hà Nội để kiểm tra sức khỏe bởi cơn đau lưng của tôi vẫn chưa khỏi sau 18 tiếng ê ẩm. Bác sĩ nói tình trạng của tôi khá nguy hiểm nhưng tôi vẫn quyết bay về Sài Gòn. Vết thương càng lúc càng nặng. Tôi đến bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM và Chợ Rẫy để kiểm tra.
Trưa 28/9, người anh họ là bác sĩ khoa ngoại thần kinh tại bệnh viện Chợ Rẫy gọi cho tôi và nói: “Anh không biết là em đã chuẩn bị tinh thần hay chưa nhưng kết quả cho thấy em bị ung thư phổi”. Đây không phải lần đầu tiên tôi gặp vấn đề về sức khỏe. Nhưng có thật sự là ung thư? Và không ai khác, chính là tôi ư?
Bức ảnh đầu tiên Thủy Muối chia sẻ trên mạng xã hội khi bắt đầu viết nhật ký ung thư. Ảnh: NVCC. |
Tôi có cuộc hẹn với khách hàng một giờ sau đó. Tôi cố gắng tiếp nhận càng nhiều thông tin về tình trạng của mình càng tốt. Anh họ cho biết đang đợi thêm vài kết quả nữa. Trong lúc này, tôi chuẩn bị mọi thứ cho cuộc hẹn, gặp khách hàng và ăn tối với các cộng sự của mình.
Cuộc trò chuyện của tôi và cộng sự:
“- Chị có lo lắng không?
– Về điều gì?
– Ung thư. Chị có sợ không?
– Lúc 21 tuổi chị từng lên bàn mổ. Kể từ ngày đó, chị đã hứa với lòng mình sẽ sống mỗi ngày như thể đó là những phút giây cuối cùng của cuộc đời. Vì vậy mà câu trả lời rất ngắn gọn: không!”
Tôi ngừng công việc và tạm ngưng việc gọi vốn. Ngày 5/10, tôi ăn trưa cùng một người bạn trên tầng thượng khách sạn Sheraton để tâm hồn thư thái. Ngày tiếp theo tôi đến trung tâm ung thư USC Norris (Mỹ) và được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn 4, tức ung thư giai đoạn cuối. Khoảnh khắc đó tôi đã thật sự sốc. Tôi không hề có sự chuẩn bị để đón nhận thông tin này.
Rất nhanh chóng, tôi đi thử máu, chụp PET/CT. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, tôi tự bồi đắp tất cả kiến thức ung thư và đặc biệt là ung thư phổi. Và hôm nay chính là ngày đầu tiên của cuộc chiến.
Ngày 5: Viêm họng
Nếu so sánh với ung thư thì viêm họng có vẻ như là loại bệnh dễ kiểm soát hơn. Sau 5 ngày uống thuốc, tôi không thể mở miệng. Chỉ có việc uống nước cũng khiến tôi thấy khó khăn. Tôi không thể ăn đồ cứng, chỉ húp một chút nước hầm gà và ít rau củ thái mỏng. Tôi sụt mất 3 kg trong 2 tuần. Ung thư đã ảnh hưởng khá nhiều đến tôi. Tôi cố gắng ăn uống nhiều hơn nhưng cơn viêm họng vẫn hoành hành.
Tôi bắt đầu thử tập hai lớp yoga tại Cộng đồng hỗ trợ ung thư Pasadena và Bệnh viện ung thư Norris. Tôi thích cả hai lớp học, được thiết kế đặc biệt cho các bệnh nhân ung thư nên rất nhẹ nhàng và tập trung nhiều vào hơi thở.
>> Xem tiếp: ‘Tôi có thể đã mắc ung thư giai đoạn 2 hoặc 3 mấy tháng trước’
Trương Sanh