Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn điện giải, ăn vào là ói khiến cơ thể suy kiệt. Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân bị nhiễm giun lươn. Sau hai tuần điều trị theo phác đồ nhiễm giun, bệnh nhân đã tăng được thể trạng, tình trạng rối loạn điện giải và suy dinh dưỡng được cải thiện.
Theo bác sĩ Bình, khoa Bệnh Nhiệt đới cũng tiếp nhận một trường hợp bị nhiễm giun lươn. Cụ ông 83 tuổi ở huyện Nhà Bè bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, cơ thể suy kiệt chỉ còn da bọc xương. Người nhà nghi ông bị lao phổi, ung thư, song kết quả nội soi dạ dày phát hiện nhiễm giun lươn.
Ba tuần điều trị, chỉ số giun lươn trong cơ thể không còn song bệnh nhân vẫn suy kiệt, huyết áp tụt do hậu quả ký sinh trùng để lại quá nặng nề. Giun đã làm loét đường tiêu hóa nên bệnh nhân nôn ói suốt, phải nuôi ăn qua sonde dạ dày. Sau hai tháng tích cực nâng đỡ thể trạng, cụ ông đã khỏe mạnh.
“Việt Nam khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho các loại giun sán phát triển, thêm thói quen ăn thực phẩm không rửa sạch, nấu chín, dễ bị nhiễm ký sinh trùng, nên mọi người phải chú trọng xổ giun và vệ sinh ăn uống”, bác sĩ Bình khuyến cáo.
Cao Khẩm