Theo ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, sau sự cố 4 bé sơ sinh tử vong sáng 20/11, bệnh viện đã cấy vi khuẩn các mẫu bệnh nhi, nhân viên y tế ở khu vực chăm sóc đặc biệt trẻ sinh non để tìm tác nhân gây nhiễm trùng và tình trạng nhiễm khuẩn. Thông thường thì sớm nhất 3 ngày sau khi cấy vi khuẩn mới có kết quả.
Theo quy định của Bộ Y tế, khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh, sinh non ở bệnh viện phải đảm bảo phòng đủ ấm cho trẻ, nhiệt độ khoảng 25-28 độ C, tránh gió lùa, có dụng cụ sưởi ấm. Nhân viên y tế, thân nhân, phải thay áo choàng, rửa tay, thay dép trước khi vào phòng trẻ. Các cơ sở y tế có điều kiện cần bố trí đủ phòng cấp cứu, phòng thủ thuật, phòng thực hiện chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo. Khoảng cách giữa hai giường bệnh phòng cấp cứu tốt nhất 0,9 m. Phòng chăm sóc trẻ phải có bàn để thực hiện các chăm sóc cần thiết, có góc để tắm trẻ, đèn sưởi ấm, đủ nước sạch, nước nóng, tốt nhất là có hệ thống nước nóng lạnh. |
“Sau sự cố, ngày nào viện cũng cho cấy vi khuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn máy thở, lồng ấp, sàn nhà, bởi khi nguy cơ nhiễm khuẩn được xác định thì việc đảm bảo môi trường vô trùng phải đặt lên hàng đầu”, bác sĩ Nam cho biết.
Chia sẻ về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại phòng cách ly trẻ sơ sinh, ông Nam nói rằng bệnh viện đã áp dụng quy trình như Bộ Y tế quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt là với trẻ sinh non. Trẻ sinh non do khả năng miễn dịch của cơ thể yếu kém nên nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao hơn trẻ bình thường.
Phó Giáo sư Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ chào đời dưới 37 tuần thai được xem là sinh non. Trẻ sinh non thường gặp các dị tật nhiễm sắc thể, thiếu ôxy hay viêm ruột và đều có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn trẻ bình thường.
Phòng chăm sóc trẻ sinh non tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Ảnh: Ngọc Thành. |
Theo các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ TP HCM, sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ trong vòng một tháng đầu đời và đứng thứ hai làm chết trẻ dưới một tuổi, sau bệnh lý viêm phổi. So với bé sinh đủ tháng, trẻ sinh non có nguy cơ tử vong gấp 20 lần do dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm khuẩn, suy hô hấp và những trở ngại trong nuôi dưỡng. Khoảng 25% trẻ sinh non bị mù hoặc giảm thị lực, 5% trẻ giảm thính lực. Những di chứng dài hạn có thể gặp như tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn…
Đảm bảo vô khuẩn trong môi trường chăm sóc trẻ sinh non rất quan trọng, nhất là với thực trạng nhiễm khuẩn bệnh viện đang là vấn nạn toàn cầu, đặc biệt ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Tỷ lệ tử vong trong sốc nhiễm khuẩn có nhiễm khuẩn huyết trên thế giới rất cao, từ 40 đến 60% ở các nước phát triển và lên đến 80% ở các nước đang phát triển. Bệnh viện Nhi Trung ương trong những năm qua đã rất nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong sốc nhiễm khuẩn sơ sinh từ 75% xuống còn khoảng 50%.
Phó giáo sư Điển nhấn mạnh việc nâng cao ý thức của cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân trong vệ sinh bàn tay là quan trọng hàng đầu. Bàn tay của nhân viên y tế cần đảm bảo sạch nhất, vì thế các bệnh viện giám sát chặt chế độ rửa tay xà phòng dưới vòi nước và rửa tay sát trùng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo để phòng nhiễm khuẩn bệnh viện, cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường, khoa, phòng bệnh… và đặc biệt là vệ sinh tay.
Sáng 20/11, có 4 bé sơ sinh tử vong ở đơn nguyên Sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Bốn em bé đều là trẻ sinh non, yếu, nhẹ cân và kèm bệnh lý bẩm sinh, phải thở máy, nằm lồng ấp. Kết luận sơ bộ ban đầu của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự và các chuyên gia nhi khoa, dựa trên giám định pháp y bệnh nhi, nguyên nhân gây tử vong là do “sốc nhiễm khuẩn”. Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã đình chỉ kíp trực liên quan 4 trẻ tử vong ngày 20/11 để viết tường trình và phục vụ điều tra. 11 em bé đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh ngay chiều và tối 20/11 đã được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Trong số này, có đến 7 bé được bác sĩ xác định bị nhiễm trùng, theo dõi nhiễm trùng huyết, đều phải nằm cách ly trong điều kiện vô trùng. |