Năm 2017, cả nước ghi nhận 571 ca mắc bệnh ho gà, 3 người tử vong. Gần 38% trường hợp là trẻ dưới hai tháng, chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Tại Hà Nội, TP HCM, số ca ho gà có xu hướng gia tăng. Trong số 14 bệnh nhi ho gà ở TP HCM thì có 9 trẻ dưới hai tháng tuổi. Hà Nội có 125 trẻ mắc ho gà, một tử vong; gần 39% bệnh nhi là trẻ chưa đến tuổi tiêm.
Ho gà là bệnh nguy hiểm với trẻ, diễn biến nặng có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt trẻ 1-3 tháng mắc ho gà rất dễ gây biến chứng.
Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, hiện chưa có chỉ định tiêm văcxin ho gà cho thai phụ. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa từng mắc ho gà thì có thể tiêm văcxin dịch vụ phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván để tạo miễn dịch. Người trong độ tuổi 6-64 đều có thể chủng ngừa văcxin ho gà. Theo nhà sản xuất, văcxin này có thể tiêm phòng cho thai phụ ở tuần thai thứ 20.
Khi mới mắc bệnh ho gà, trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho bé thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt rồi nôn.
Cha mẹ cần chú ý đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ liều. Lịch tiêm chủng văcxin DTP hoặc Quinvaxem: Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất một tháng; mũi thứ 3 sau mũi thứ hai một tháng; mũi thứ 4 khi trẻ 18 tháng tuổi.
DPT là văcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván; văcxin phối hợp Quinvaxem phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b.