Khai mạc ngày hội thực phẩm chức năng Việt Nam diễn ra ở TP HCM từ 14 đến 16/7, phó giáo sư Trần Đáng cho biết theo sự phát triển của công nghiệp hóa, chế độ ăn uống ngày nay tưởng như đầy đủ nhưng lại thiếu hụt nhiều vi chất. Ngoài ra chức năng cơ thể suy thoái, không thải độc được nên gây ứ đọng ở các cơ quan. Đây là nguyên nhân góp phần khiến các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, xương khớp… bùng phát mạnh.
Ảnh: functional food |
Theo phó giáo sư Đáng, thực phẩm chức năng được Tổ chức Y tế thế giới ví như “văcxin” dự phòng bệnh mạn tính không lây, góp phần giải quyết “nạn đói” vi chất và tăng cường thải độc cơ thể. Tuy nhiên tình hình thực phẩm chức năng tại Việt Nam hiện còn nhiều bất cập.
Tình trạng quảng cáo khá tùy tiện, chưa kiểm soát được ở một số thực phẩm chức năng đã gây nên nhiều nhầm lẫn ở người dùng. Thực phẩm chức năng không phải thần dược. Đây không phải là thuốc mà chỉ có tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh, hỗ trợ điều trị bệnh, bổ sung các chất còn thiếu để chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng.
“Quy định về điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng chưa chặt chẽ khiến thị trường hỗn loạn. Mọi người đua nhau kinh doanh rất tùy tiện để kiếm tiền”, ông Đáng nhìn nhận. Việc công bố sản phẩm hiện cũng chưa theo đúng quy định của tiêu chuẩn thế giới. Các đánh giá chất lượng, tính an toàn và tính hiệu quả còn thiếu những biện pháp khoa học.
Việt Nam hiện có khoảng gần 4.000 sản phẩm thực phẩm chức năng. Bộ Y tế đang chỉ đạo tăng cường kiểm soát.