Home » Khỏe và đẹp » Nhiều phụ nữ mắc hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu mà không biết

Nhiều phụ nữ mắc hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu mà không biết

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong, Khoa Lồng Ngực – Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu xảy ra khi các mô quanh tĩnh mạch và thành tĩnh mạch bị xơ hóa, lòng tĩnh mạch hẹp lại, có thể xuất hiện nhiều màng ngăn, mạng xơ sợi, thậm chí tắc hoàn toàn. Tình trạng này khiến dòng máu tĩnh mạch chảy về tim bị chậm lại hoặc gián đoạn, làm ứ đọng máu ở chân gây đau, nhức, nặng, mỏi, phù chân…

Các nghiên cứu giữa thế kỷ 20 trên thi thể cho thấy tỷ lệ người có dấu hiệu của hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu chiếm từ 22 đến 32%. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra tỷ lệ này tăng theo độ tuổi, 22-33% gặp tình trạng tạo màng ngăn và mạng xơ sợi trong lòng tĩnh mạch chậu. Tỷ lệ tĩnh mạch chậu bị chèn ép từ bên ngoài lên đến 66-88%.

Một số trường hợp đột ngột nặng lên khi có thêm các yếu tố bất thường ảnh hưởng đến tình trạng hồi lưu tĩnh mạch chi dưới. Trên thực tế, triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện ở phụ nữ sau phẫu thuật, sau mang thai, sau thời gian nằm liệt gường hay làm việc ở tư thế đứng lâu.

nhieu-phu-nu-mac-hoi-chung-chen-ep-tinh-mach-chau-ma-khong-biet

Bác sĩ Lê Thanh Phong đang thăm khám cho bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch. Ảnh: TT.

Các nghiên cứu ghi nhận từ 2 đến 5% người bị suy tĩnh mạch chân trái có nguồn gốc từ hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu. Khi đó, nếu chỉ điều trị suy giãn tĩnh mạch theo cách thông thường sẽ không bao giờ khỏi bệnh.

Về cơ bản, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu biểu hiện triệu chứng tương tự như suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới, hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính. Cụ thể là cảm giác đau nhức chân, chủ yếu ở chân trái kèm theo mỏi, nặng, kiến bò, chuột rút… Cảm giác khó chịu tăng lên khi đi đứng, giảm khi nằm kê chân cao hay mang vớ áp lực, kèm theo đó là tình trạng phù chân, nổi gân xanh đỏ dưới da hoặc loét cổ chân.

Một đặc điểm khác của hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu là các tĩnh mạch nhỏ ở vùng bụng bị quá tải và giãn to gây đau mạn tính vùng bụng dưới, kích thích tiểu tiện, đại tiện và sinh dục.

Nghiên cứu trên thế giới chỉ ra hơn 50% số người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính chân trái có nguyên nhân từ hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu. T lệ huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân trái cao hơn chân phải gấp 5 lần. Bệnh thường khởi phát đột ngột gây đau và phù ở chân trái tăng dần, các tĩnh mạch mới nổi lên ở vùng đùi và bẹn. Đây là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong do cục máu đông di chuyển về tim gây tắc động mạch phổi. Trường hợp nhẹ có thể bị suy tĩnh mạch hậu huyết khối dẫn đến phù, đau chân và lở loét về sau.

Trước đây hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu được điều trị bằng phẫu thuật. Phương pháp này có nhược điểm là mất nhiều máu, gây đau đớn, hiệu quả duy trì thấp. Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật can thiệp nội mạch, hội chứng trên có thể điều trị khỏi bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent). Bệnh nhân chỉ phải chịu một vết đâm kim nhỏ ở vùng bẹn đùi. Vài giờ sau khi điều trị, người bệnh có thể đi lại và xuất viện trong ngày. Một số nghiên cứu tại Mỹ, Pháp và các nước châu Á ghi nhận tỷ lệ điều trị thành công và duy trì hiệu quả tái thông tĩnh mạch dài hạn đạt từ 93 đến 100%.

Phương pháp can thiệp nội mạch điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch vùng chậu đã ứng dụng tại Việt Nam từ năm 2015. Có khoảng 20 bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp này, kết quả theo dõi sau 2 năm cho thấy hiệu quả tái thông tĩnh mạch duy trì tốt, chất lượng cuộc sống của người bệnh cải thiện đáng kể. 

Bác sĩ Phong nhìn nhận việc ứng dụng phương pháp nong và đặt stent trong điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu mở ra một hướng mới trong điều trị các bệnh tĩnh mạch khác như hội chứng hậu huyết khối, tắc tĩnh mạch chủ trên, phù áo khoác… Những bệnh này rất phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt là ở nữ giới nhưng đa phần bệnh nhân không phát hiện để điều trị sớm.

Bác sĩ khuyên phụ nữ có các dấu hiệu của bệnh tĩnh mạch như đau nhức chân, mỏi, nặng chân, tê chân, cảm giác nóng chân, chuột rút về đêm… nên đi khám bác sĩ chuyên khoa về mạch máu để được can thiệp sớm. Bệnh được điều trị tận gốc thì các triệu chứng khó chịu sẽ biến mất, nhờ đó chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.